(HNM) - Cuốn sách này gây ấn tượng đầu tiên bởi hai yếu tố, là tác giả - TS Menis Yousry khá quen thuộc với nhiều độc giả, phụ huynh Việt Nam và dịch giả Nguyễn Bích Lan - một
Menis Yousry (tiến sĩ- sinh ra và lớn lên ở Cairo, Ai Cập), đã có 15 năm công tác tại Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia của Anh quốc với vai trò nhà tâm lý học kiêm chuyên gia liệu pháp hệ thống và tâm lý gia đình. Ông cũng là người sáng lập tổ chức Essence mang đến những khóa học về phát triển bản thân giàu tính thực nghiệm cho mọi người không kể văn hóa, giới tính, tôn giáo... Tác phẩm "Tìm lại chính mình" của ông không phải dòng sách giải trí, đọc đến đâu là trôi đi đến đấy, tác phẩm khiến độc giả phải không ngừng động não nhưng không cảm thấy vô ích khi khám phá ra những điều thiết thực cho cuộc sống bản thân. Trong đó, tựu chung lại, bằng việc phân tích sự hình thành ký ức vô thức, nhà tâm lý học này chỉ ra những phản xạ bảo vệ được nảy sinh từ ký ức vô thức này ít nhiều cản trở con người trong cuộc sống hiện tại và những gợi ý có thể làm gì để giải phóng bản thân khỏi những giới hạn...
Tinh tế và khoa học, những gì mà tác giả chỉ ra có thể từng xuất hiện ở đây đó trong những cuốn sách về tâm lý, kỹ năng sống, song góc tiếp cận của nó khá thú vị với khái niệm "cơ chế bảo vệ" của con người... Sách gồm hai phần, phần I là "Sự xung đột giữa ý nguyện của chúng ta và những gì chúng ta đạt được" và phần II "Quá trình hàn gắn". Mỗi chương cũng đề cập và giải quyết những nội dung khá cụ thể như "Niềm tin mạnh hơn hiện thực", "Cảm nhận những cảm giác của mình một cách chính xác", "Hãy để những trải nghiệm mới đi vào cuộc sống của bạn", "Câu chuyện, kịch bản và sự diễn xuất mà chúng ta sử dụng để che giấu con người thật của mình"... Trong đó có những phân tích thú vị như "Những phản ứng và những cơ chế bảo vệ ngầm sẽ bóp méo sự thật để đạt được mục đích làm giảm nỗi sợ hãi. Những hành vi mang tính bảo vệ này cũng là những ký ức vô thức được sử dụng trong quá khứ để kiểm soát sự lo lắng và nỗi sợ hãi của chúng ta nhằm mang lại sự an toàn". Và dẫn lời của một danh nhân, tác giả viết: "Mỗi lần chúng ta lựa chọn một cách an toàn chúng ta lại làm cho nỗi sợ hãi mạnh thêm". Một chia sẻ khác của tác giả cũng buộc người đọc phải phản biện: "Chúng ta hồi tưởng những trải nghiệm tiêu cực nhiều hơn những trải nghiệm tích cực bởi vì chúng ta không có khả năng hiểu những trải nghiệm tiêu cực cũng như không có khả năng chấp nhận chúng. Bởi thế chúng là những ký ức chưa hoàn thành và điều gì còn dang dở thì đều được nhớ để tiếp tục hoàn thành...".
Phải nói, gần 300 trang sách mà TS Menis Yousry đối thoại với độc giả không phải lúc nào ta cũng có thể cảm nhận được hết các tầng ý nghĩa, song nó ý nghĩa ở chỗ buộc bạn đọc tư duy không ngừng. Và nếu phải chỉ ra điều thú vị nhất trong tác phẩm này thì đó chính là tinh thần phản biện, tưởng như nghịch lý khi tác giả nói: "Điều quan trọng là bạn không nên tin vào tất cả những gì bạn đọc được trong cuốn sách này mà hãy tự rút ra những kết luận của riêng mình. Đây không phải là cuốn sách thay thế cho trí khôn của bạn; nó là một sự gợi ý, nhắc nhở rằng bạn có thể sống cuộc sống hằng ngày trong và từ sự ý thức về bản thân"...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.