Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá trị mới từ giải pháp sáng tạo

Nguyễn Thanh| 22/07/2021 06:18

(HNM) - Cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” vừa kết thúc đợt lấy ý kiến trực tuyến để tìm ra phương án được cộng đồng yêu thích nhất cho hạng mục giải Bình chọn. Đây là hoạt động nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo, phát huy hiệu quả nguồn lực con người và các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội cho mục tiêu hình thành mạng lưới không gian sáng tạo phong phú, hấp dẫn, tạo động lực phát triển kinh tế sáng tạo của Thủ đô.

Thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” làm việc để chọn ra phương án xuất sắc nhất tại các hạng mục.

Kiến tạo những giá trị mới

Là một trong những bài dự thi được công khai lấy ý kiến bình chọn trực tuyến, ý tưởng thiết kế sáng tạo của nhóm tác giả Nguyễn Kiên Tố, Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Minh Anh, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trần Duy Tân, Nguyễn Anh Dũng, Trần Hữu Trí tập trung vào việc chuyển đổi công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành không gian sáng tạo mang tên “Quận đường tàu 4.0”. Đồng tác giả, kiến trúc sư Nguyễn Kiên Tố chia sẻ, Hà Nội hiện còn rất thiếu không gian xanh và không gian công cộng. Trong khi đó, công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ có thể trở thành một không gian sáng tạo, trải nghiệm, nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, người tiêu dùng, khách tham quan bằng những sản phẩm hấp dẫn trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc còn hiện hữu nơi đây. “Những xưởng và kho bãi xuống cấp nặng nề có thể tháo dỡ để mở mang tầm nhìn; xanh hóa để tái tạo cảnh quan. Các khu nhà xưởng có giá trị về mặt kiến trúc, các đường ray và lõi cảnh quan được áp dụng giải pháp tái quy hoạch, xây dựng giao thông nội bộ…”, kiến trúc sư Nguyễn Kiên Tố đề xuất.

Là một trong những ý tưởng thiết kế thu hút nhiều lượt bình chọn, “Con đường văn hóa nghệ thuật” của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế ADA và cộng sự hướng đến mục tiêu “tái sinh” những vòm cầu kết nối khu phố cổ với cầu Long Biên, tạo nên một “trục” văn hóa độc đáo, vừa mang tính lịch sử, vừa mang hơi thở hiện đại với các bảo tàng, không gian làng nghề truyền thống, không gian văn hóa ẩm thực, không gian mỹ thuật dân gian... Còn nhóm tác giả từ Liên hiệp Khoa học, phát triển du lịch bền vững lại đề xuất phát triển mô hình du lịch từ cây lúa cho Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với góc nhìn đổi mới, sáng tạo.

Bà Lê Thị Phương (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa) cho biết, rất ấn tượng với sáng kiến du lịch cộng đồng tại Làng cổ Đường Lâm, không chỉ bởi những không gian trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn từ công viên lúa, công viên rơm, công viên trăng..., mà còn xác định người dân là chủ thể của hoạt động, đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho họ.

Thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo

Khởi động từ tháng 10-2020, cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) tổ chức nhằm tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo các “không gian sáng tạo” cho Hà Nội. Với 3 hạng mục gợi ý, gồm: Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo; bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống; tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng, theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc Phan Đăng Sơn, các ý tưởng sáng tạo cần biểu đạt được ngôn ngữ riêng về tính bản địa; có đóng góp rõ rệt cho xu hướng xanh bền vững và thể hiện sức hút tự nhiên với cộng đồng...

“Sau hơn 8 tháng phát động, cuộc thi thu hút gần 100 phương án thiết kế từ các tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp hoặc không chuyên trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo, mỹ thuật trong nước và quốc tế. Từ các phương án dự thi, Ban tổ chức đã chọn ra 25 phương án xuất sắc nhất vào vòng xét giải, trong đó có nội dung giải Bình chọn, trên cơ sở lấy ý kiến bình chọn trực tuyến của đông đảo người dân”, ông Phan Đăng Sơn cho biết. 

Đánh giá về các ý tưởng dự thi, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ (thành viên Hội đồng giám khảo) cho rằng, các tác phẩm dự thi được đầu tư bài bản, nghiêm túc, nhiều ý tưởng tâm huyết, giải pháp sáng tạo mang tính nhân văn trong thiết kế cũng như có tính khả thi cao, là gợi ý chất lượng cho việc chuyển đổi nhiều không gian công cộng trong thực tế.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Lan Anh cho biết, cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” là một trong nhiều sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động mà Hà Nội phát động với sự phối hợp của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhằm nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng trong nhịp đập văn hóa và sáng tạo của thành phố, từng bước hiện thực hóa việc xây dựng các không gian sáng tạo, cộng đồng sáng tạo… Thời gian tới, Ban tổ chức tiếp tục triển khai xét giải cho các tác phẩm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiết kế sáng tạo, khai thác các giá trị từ giải pháp sáng tạo, phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá trị mới từ giải pháp sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.