Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá trị cần có của những "công bộc" nghị trường

PGS.TS Phạm Xuân Hằng| 11/04/2016 06:22

(HNM) - Phát biểu của các đại biểu của dân tại kỳ họp cuối cùng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã để lại những lát cắt ấn tượng để ngẫm suy về tố chất đại biểu Quốc hội khóa mới.

1. Dân tộc ta sáng tạo ra văn hóa của mình đủ sức làm vũ khí dựng nước và giữ nước. Vì lẽ đó, văn hóa là động lực nội sinh và không thể tách rời văn hóa ra khỏi các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Trong mọi hoạt động của tổ chức quyền lực nhà nước như Quốc hội thì văn hóa của đại biểu là văn hóa trách nhiệm. Và văn hóa nghị trường luôn được nâng tầm góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Mặt khác, tài sản quý giá cha ông ta từ ngàn năm để lại là văn hóa dân tộc và sức sống nội sinh này làm nên sự trường tồn dân tộc. Sự nghiệp đổi mới hoạt động của Quốc hội cũng phải xuất phát từ văn hóa và bằng văn hóa. Văn hóa phải được nhìn nhận như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đổi mới nâng cao chất lượng cơ quan đại diện quyền lực tối cao của nhân dân. Chủ thể quá trình này là đại biểu Quốc hội được sàng lọc qua hiệp thương, giới thiệu từ cơ sở, từ nhân dân.

Mấy khóa Quốc hội gần đây, chất lượng đại biểu từng bước được nâng cao, có nhiều đại biểu gần dân, phản ánh được nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong 30 năm đổi mới vừa qua. Bên cạnh những đại biểu chưa tự tin, chưa mạnh dạn, cũng có những đại biểu rất thẳng thắn thể hiện được bản lĩnh, trách nhiệm trước nhân dân và dân tộc. Ví dụ, trong những phiên thảo luận tại nghị trường vừa qua, đại biểu Đoàn TP Hồ Chí Minh, ông Trương Trọng Nghĩa và đại biểu tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Lai đã đặt ra những vấn đề khiến dư luận quan tâm và suy nghĩ: Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự đi vào cuộc sống để phát triển chưa? Mối quan hệ giữa đánh giá, nhận định tình hình để xác lập chủ trương, chính sách đã biện chứng chưa?

Thực tế, có nhiều đại biểu đã đề cập những vấn đề trên ở những góc độ, khía cạnh, mức độ khác nhau để thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của mình trước cử tri cả nước. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nội lực quốc gia luôn là, mãi là lòng dân hợp lại mà thành. Nền tảng để xây dựng sức mạnh này là dân chủ, đoàn kết, đồng thuận trên dưới đồng lòng "hòa nước sông chén rượu ngọt ngào", Đảng, Nhà nước "chăm sức dân, nuôi kế sâu gốc bền rễ". Đại đoàn kết toàn dân tộc được hình thành khi lòng dân đồng tình, đồng sức, đồng lòng, nói cách khác, là lòng dân hợp lại mà thành. Đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển và cả những thách thức thời cuộc khó lường. Khi lòng dân quy tụ sẽ trở thành nguồn lực gốc sinh ra nhiều nguồn lực khác đưa đất nước vượt qua thách thức để phát triển.

Hôm nay, khi tình hình thời cuộc có nhiều biến đổi khó lường, khi nhu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đặt trong mối quan hệ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, khi yêu cầu phải củng cố nội lực quốc gia vững mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, thì nhân tố tăng cường dân chủ, đoàn kết, thống nhất ý chí trong Đảng - hạt nhân của đại đoàn kết toàn dân tộc - càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

2. Để Quốc hội hoạt động hiệu quả, thì chất lượng đại biểu phải là nền tảng, chứ không phải cơ cấu. Nếu cơ cấu bảo đảm đầy đủ mà đại biểu không đủ tri thức, bản lĩnh để nhìn nhận, đánh giá những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh để kiên quyết yêu cầu điều chỉnh thì chính sách không thể hoặc rất khó đi vào cuộc sống. Cử tri cần những đại biểu có bản lĩnh chứ không cần những "mũ ni che tai", "dĩ hòa vi quý"…

Tóm lại, chất lượng đại biểu thể hiện qua tri thức, trình độ, bản lĩnh, kỹ năng thuyết trình, tầm văn hóa và tầm nhìn trong việc hoạch định chính sách… Người đại biểu của nhân dân phải có khả năng vượt mọi sức ép về công việc, về thời gian, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm, bổn phận của một đại biểu được cử tri ủy thác làm việc trong cơ quan lập pháp. Và quan trọng nhất, đã là đại biểu của dân thì phải biết lắng nghe và tôn trọng nhân dân, không phát ngôn làm người dân bức xúc, không làm giảm lòng tin của người dân với Nhà nước… Chính những tố chất này nói lên giá trị cần có của các "công bộc" nghị trường.

Có một thực tế là không một cơ quan, tổ chức nào có thể bảo lãnh được chất lượng đại biểu. Do vậy, cần nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc với cử tri để người dân có thể hiểu rõ hơn về năng lực, tư cách, chương trình hành động của người sẽ đại diện cho mình để mỗi lá phiếu thật sự là sự chọn lựa chính xác mang theo sự tin tưởng của cử tri và trách nhiệm của người được cử tri tín nhiệm.

Kỳ họp cuối cùng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với không ít trăn trở mang đầy trách nhiệm cho thấy rất nhiều điều cần bàn về năng lực và bản lĩnh của người đại biểu nhân dân. Vấn đề lúc này là chuẩn bị thật tốt để nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có những đại biểu đủ tâm, đủ tầm, đủ sức gánh vác trọng trách phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị cần có của những "công bộc" nghị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.