Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giả thuyết mới về quipu

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 23/06/2013 06:44

Nhiều năm sau khi chinh phục được đế chế Inca, người Tây Ban Nha vẫn không hiểu rõ về quipu. Họ chỉ biết rằng đó là một hệ thống sổ kế toán ghi chép lại những số liệu. Mỗi địa hạt thường có hàng chục người làm công việc này. Các số liệu ở từng đơn vị hành chính cấp thấp được chuyển lên cấp cao hơn để tổng hợp, cứ như thế truyền về đến chính quyền trung ương.


Cho đến đầu thế kỷ XX, giả thuyết về hệ cơ số 10 trên quipu mới được đông đảo các nhà khoa học tán thành. Từ đó, qua tìm hiểu, các nhà khoa học phát hiện ra trên mỗi sợi dây chính, cứ sau một số sợi dây cùng loại (như cùng màu) thì sợi dây tiếp theo sẽ là số tổng của những sợi dây trước. Sợi dây này được phân biệt bằng cách: một đầu được luồn qua những sợi dây cùng loại đó (luồn cùng sợi dây chính) hoặc buộc chung nút vào sợi dây chính với sợi dây cuối dãy. Một cách nữa là sợi dây tổng này có nút thắt với sợi dây chính quay ngược lại với cả dãy mà nó tính tổng.

Ngày nay, số lượng quipu có trong các bảo tàng trên toàn thế giới, bao gồm cả những quipu mới khai quật được là hơn 600. Năm 2002, dự án khôi phục cơ sở dữ liệu quipu được triển khai ở Mỹ, được tài trợ bởi Quỹ khoa học quốc gia và Đại học Harvard. Dự án chia làm hai giai đoạn: 2002 - 2004 và 2004 - 2005. Mỗi quipu được mã hóa với nhiều thông tin, một số được số hóa như: nguồn gốc, nơi lưu trữ, chiều dài dây chính, số sợi dây con... Tổng hợp lại, có 7 dữ liệu được quan tâm nhất gồm: vật liệu làm ra quipu (bông hoặc len), màu sắc của các dây con, nút buộc giữa dây chính với dây con (có 2 cách buộc), chiều dài dây con, số nút trên mỗi dây con, cách thắt nút để tạo ra số thập phân (có 2 cách là hướng quay của nút buộc) và số liệu về dây nhánh của dây con. Kết quả cho thấy, đã có những sợi dây chính dài được lặp lại kết quả giống y hệt từ nhiều sợi dây chính ngắn hơn khác và có sự tổng hợp dữ liệu. Có ba cấp độ được tổng hợp biểu thị cấp độ quản lí của đế chế Inca. Ngoài ra, còn một số hoài nghi như mỗi loại quipu đều biểu thị số liệu của một triều đại cũng như năm trị vì của triều đại đó.

Với 31 màu sắc dùng làm quipu, cộng với bảng 7 dữ liệu trên, gần đây, giáo sư Gary Urton của Đại học Harvard đã đưa ra giả thuyết rằng, đây là hệ thống mã hóa dùng hệ cơ số 2, tương tự như máy tính hiện đại để mã hóa thông tin. Đồng thời đây là hệ thống mã hóa thông tin ba chiều (tương tự như ký hiệu của một bản nhạc) gồm sự kết hợp của màu sắc, không gian với từng loại chủ đề nhằm ghi lại đầy đủ số liệu thống kê cũng như phần nào bối cảnh văn hóa của từng giai đoạn.

Quipu là sự tiếp nối của một nền văn minh và nó cũng tương đồng với rất nhiều nền văn minh khác từng dùng dây thắt nút để biểu thị chữ số, trong đó có người Việt xưa.

Kết quả kỳ trước. Kí hiệu e được giả định là chữ cái đầu của nhà toán học Euler, người đầu tiên đã sử dụng kí hiệu này.

Kỳ này. Người Việt xưa dùng dây thắt nút để biểu thị số từ thời nào? Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giả thuyết mới về quipu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.