Kinh tế

Giá thành điện: Không thể mãi bao cấp, bù trì

Hà Phong 10/10/2024 - 17:37

Chiều 10-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp".

ddn0206-172854888405393137733.jpg
Khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP

Tham gia tọa đàm có đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (theo hình thức trực tuyến); Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu; nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa; TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh.

Các đánh giá cho thấy, trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện vẫn chưa được đầy đủ, vẫn mang màu sắc "bao cấp", bù trì.

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Thế Hữu: Trong sự phát triển bền vững của nền kinh kinh tế, việc "tính đúng, tính đủ giá điện" và đẩy mạnh thực hiện lộ trình này là yêu cầu tất yếu, khách quan vì sự phát triển bền vững của ngành điện nói riêng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta nói chung.

Ông Nguyễn Thế Hữu dẫn chứng, kiểm tra của các bộ: Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan về chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN cho thấy thực tế đáng quan ngại.

Cụ thể, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ năm qua đều tăng cao do biến động của tình hình chính trị xã hội toàn thế giới cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.

Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%, như vậy, ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, cần tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao.

Trong bối cảnh đó, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn. Bên cạnh đó, phát động tiết kiệm điện tại EVN và các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, do cấu trúc giá thành tăng quá cao nên dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao.

Thực tế trên đòi hỏi, sau nhiều năm kiềm chế, cần tính đúng tính đủ để vừa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp vừa bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện năng.

Cùng quan điểm, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa và các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng, phải xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm cho giá điện minh bạch theo cơ chế thị trường.

"Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường, thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, thì bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn. Những người thuộc diện chính sách xã hội vẫn được Nhà nước quan tâm và chúng ta không bỏ rơi những đối tượng đó", ông Nguyễn Tiến Thỏa nói thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá thành điện: Không thể mãi bao cấp, bù trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.