Ngày 11-4, HĐND tỉnh Hưng Yên khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 26 (kỳ họp không thường lệ), để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền; trong đó có việc thông qua Tờ trình đồng ý để thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.
Theo Tờ trình số 25/TTr-UBND ngày 2-4-2025 của UBND tỉnh Hưng Yên, cầu Ngọc Hồi nằm trên tuyến đường 3,5 thành phố Hà Nội, nối thành phố với tỉnh Hưng Yên. Tổng chiều dài nghiên cứu là 7,5 km; trong đó Hà Nội là 5,4 km; Hưng Yên là 2,1 km. Tổng mức đầu tư là 11.844 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội và Trung ương.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu có điểm đầu tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), kết nối với điểm cuối Dự án đường vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cách cao tốc khoảng 360m về phía đê Hữu Hồng; điểm cuối tại huyện Văn Giang (Hưng Yên), kết nối với đường Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang cách đê Tả Hồng 700m về phía cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo UBND tỉnh, việc hoàn thành tuyến đường 3,5 với công trình cầu Ngọc Hồi sẽ giúp tăng sự liên kết giữa Hưng Yên với thành phố Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi lớn trong việc liên kết giữa các khu đô thị lớn như Ecopark, Đại An, Dream City. Việc đầu tư cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu là cần thiết.
Tại Kỳ họp, các đại biểu thảo luận, xem xét, quyết nghị thông qua một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền: Thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp số 01, tỉnh Hưng Yên; Đề án công nhận thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) là Đô thị loại III; Quy chế quản lý kiến trúc thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; phân bổ, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh quản lý và một số nội dung quan trọng khác... Các đại biểu đã bấm nút nhất trí thông qua các tờ trình nêu trên.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Toản đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai cụ thể hóa các nghị quyết của HĐND; tăng cường tuyên truyền nội dung từng nghị quyết nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân. UBND tỉnh có kế hoạch đảm bảo nguồn lực để thực hiện chính sách kịp thời, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; tăng cường thanh, kiểm tra kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện.
Các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động toàn tỉnh cần quán triệt, triển khai khẩn trương, nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Các đơn vị, địa phương tập trung triển khai quyết liệt nhiệm vụ chính trị, không để ách tắc, gián đoạn công việc, nhất là giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.