(HNM) - Thông tin một số tiểu thương nhập lậu các loại thủy sản như cá tầm, ếch, lươn… từ Trung Quốc về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội đang khiến cho người tiêu dùng lo lắng...
Không những thế, giá cả các mặt hàng này quá rẻ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong nước, khiến các hộ dân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng này đang đứng ngồi không yên…
Nhiều loại thủy sản nhập lậu đang được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
Siêu lợi nhuận
Hiện nay, các loại cá tầm, cá quả, ếch… xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán rất nhiều tại các chợ trên địa bàn Hà Nội với giá cực rẻ. Tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai), cá quả, ếch có giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, sau khi phân phối về các chợ nhỏ đã biến thành hàng "nuôi tại Việt Nam", được bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg. Cá tầm nhập từ Trung Quốc có 100.000 đồng/kg, khi về Việt Nam, bán tại các chợ đầu mối với giá 120.000 - 140.000 đồng/kg, tại các chợ nhỏ 170.000 - 250.000 đồng/kg, còn tại các nhà hàng có giá tới 400.000 - 500.000 đồng/kg. Do siêu lợi nhuận cao nên thương lái dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu và lưu thông. Nhiều tiểu thương cho biết, họ không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, miễn cá tươi và ngon là được (!).
Theo Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 13 tấn cá tầm Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Vụ việc đầu tháng 5 vừa qua các ngành chức năng của Hà Nội đã bắt và tiêu hủy hơn 1,8 tấn cá tầm nhập lậu là một ví dụ, phản ánh thực trạng đáng báo động, vì việc này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà còn "đánh" chết nghề cá nước ngọt trong nước. Theo ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (Cites Việt Nam), sau 9 năm được đưa vào Việt Nam, đến nay cá tầm đã được nuôi ở cả 3 miền đất nước, sản lượng năm 2013 dự kiến đạt 900 tấn. Từ trước đến nay, Cites Việt Nam mới chỉ cấp giấy phép cho một số công ty nhập khẩu trứng cá tầm và cá tầm giống vào Việt Nam mà chưa cấp giấy phép cho doanh nghiệp nào nhập khẩu cá tầm thương phẩm. Tuy nhiên, việc cá tầm nhập lậu có giá rẻ và bán lãi tới 50% khiến cho thương lái dùng mọi thủ đoạn để đưa về tiêu thụ trong nước. Nếu thời gian tới, các ngành chức năng không có biện pháp quản lý và siết chặt, việc này sẽ là mầm họa cho cả xã hội.
Sẽ lấy mẫu kiểm tra tồn dư chất kháng sinh
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, trước thực trạng các loại thủy sản nhập lậu bán tràn lan tại các chợ trong thời gian gần đây, Cục đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và Chi cục Thủy sản Hà Nội lấy mẫu kiểm tra tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai) và một số chợ bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, qua đó xác định rõ nguồn gốc cá tầm, ếch, cá quả… và hàm lượng dinh dưỡng có ở trong các sản phẩm này, dự kiến trong tháng 5-2013 sẽ có kết quả. Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, mặc dù đến thời điểm này chưa có kết quả chính thức về mức độ nguy hại của các sản phẩm thủy sản nhập lậu, nhưng nếu các sản phẩm này chưa được kiểm soát về chất lượng sẽ đe dọa tới sức khỏe người tiêu dùng. Hiện thương lái tại các chợ đều cam kết không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc nhưng chi cục vẫn cử các đoàn đi kiểm tra tình hình buôn bán thủy sản tại các chợ và lấy mẫu kiểm tra về tồn dư chất kháng sinh, sử dụng chất tăng trọng, chất kích thích và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, thời gian qua, các ngành chức năng đã phát hiện, bắt giữ một số vụ vận chuyển buôn bán thủy sản trái phép nhưng chỉ như "muối bỏ biển", bởi lượng lớn cá tầm, ếch… nhập lậu qua biên giới phía Bắc vẫn tràn vào trong nước. Do đó, các ngành chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Công an cần vào cuộc quyết liệt hơn để ngăn chặn, xử lý việc nhập lậu thủy sản; tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng các sản phẩm an toàn, không nên ham rẻ mà mua sản phẩm không rõ nguồn gốc. Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ việc lấy mẫu thủy sản tại các chợ để kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm để có kết quả chính thức, tránh gây hoang mang trong dư luận người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hộ nuôi thủy sản trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.