(HNM) - Tình hình cháy nổ trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây vẫn diễn biến rất phức tạp. Tết Nguyên đán đang cận kề thì nguy cơ cháy vẫn tiềm ẩn, đe dọa ANTT, có thể gây tổn thất về người và tài sản.
Liên tục những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố xảy cháy, trong đó có nhiều vụ gây hậu quả khá nghiêm trọng. Có thể kể tới vụ cháy rạng sáng 29-11, tại chợ Thượng Thanh (quận Long Biên), làm 1 người chết, 2 người bị thương. Tiếp sau đó, đêm 3-12, chợ Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) xảy cháy, thiệt hại hàng tỷ đồng. Không chỉ cháy chợ, hỏa hoạn còn xảy ra tại khu vực nhà cao tầng, khu công nghiệp mà gần đây nhất là vụ cháy tại khu công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm - Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) đêm 7-12, khiến hơn 100m2 nhà bị thiêu rụi hoàn toàn, thiệt hại không nhỏ...
Kiểm tra công tác PCCC ở chợ Hôm. Ảnh: Tùng Tâm |
Nguyên nhân liên tục xảy cháy được lý giải về mặt khách quan là do thời tiết hanh khô, nhưng lý do này chưa thực sự thuyết phục. Nguyên nhân xảy cháy nhiều, trong đó có nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra chủ yếu là do ý thức chủ quan. Cụ thể là việc lãnh đạo của một số cấp ủy về công tác này chưa quyết liệt, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở. Trong giám sát, chính quyền nhiều cấp đã buông lỏng, phó thác cho cơ quan CA hoặc có kiểm tra nhưng không xử lý nghiêm sai phạm, không khắc phục kịp thời thiếu sót. Vì thế mà có những địa bàn hỏa hoạn liên tục xảy ra nhưng không quy được trách nhiệm, không có hình thức xử lý, khắc phục.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền PCCC chưa sâu rộng cho dù thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực, tập trung hướng về cơ sở để tuyên truyền, nhất là cho cán bộ Mặt trận; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh tại các nút giao thông... Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền như vậy chưa thực sự hiệu quả, chưa tác động vào ý thức người dân một cách sâu rộng. Chẳng hạn, việc tuyên truyền PCCC trên loa truyền thanh tại các nút giao thông, khó có thể giúp người dân hiểu biết đầy đủ, nắm rõ kỹ năng cần thiết trong PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH). Việc tuyên truyền tại các địa bàn cũng cần phải có nội dung phù hợp với từng đặc điểm dân cư ở nhà chung cư, nhà đất; dân cư sống ở khu vực chợ, nhất là chợ tạm, các hộ kinh doanh; khu vực nông thôn, làng nghề... Trong khi đó, lực lượng PCCC, CNCH chưa đáp ứng yêu cầu. Đó mới là căn nguyên khiến tình hình cháy nổ chưa được kiềm chế.
Từ nay đến Tết Nguyên đán thời tiết còn khô hanh, nguy cơ cháy nổ sẽ rất lớn, nhất là tại những khu vực trọng điểm tập trung nhiều hàng hóa, đông người hay tại nhà dân... Trước mắt, lực lượng, phương tiện PCCC đang được thành phố tập trung đầu tư nhưng chưa thể mạnh ngay. Vì vậy, công tác phòng cháy cần được tăng cường hơn nữa theo hướng quyết liệt, tập trung để đạt hiệu quả nhất định. Đó cũng là tinh thần Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo công tác PCCC và CNCH được Thành ủy Hà Nội ban hành cuối tháng 11 vừa qua. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác PCCC. Thành ủy cũng yêu cầu sớm kiện toàn Ban chỉ đạo 197 các cấp và đưa công tác PCCC, CNCH thành một trong những nội dung công tác của Ban chỉ đạo. Hơn hết, cấp ủy, chính quyền cơ sở phải chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm, sơ hở, từ đó đề xuất, kiến nghị giải pháp giải quyết những bất cập trong công tác PCCC, CNCH. Chỉ khi cấp ủy cơ sở nhận thức đúng, coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo mới phát huy được vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH theo phương châm 4 tại chỗ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.