Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá như vợi được nỗi đau!

Thanh Hải - Dương Hiệp| 30/03/2015 06:21

(HNM) - Vụ sập giàn giáo tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã làm 13 người thiệt mạng, 29 người bị thương. Nỗi đau vẫn còn đó và sẽ còn đeo đẳng bởi cuộc sống khó khăn sẽ càng khó khăn thêm...

Nhóm PV đến chia sẻ với gia đình nạn nhân Phạm Xuân Hùng


1. Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nơi phần lớn nạn nhân trong vụ sập giàn giáo xảy ra tối 25-3 tại xưởng chế tạo giếng chìm, đê chắn sóng công trình cảng Sơn Dương, thuộc dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Hầu hết các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng không khí ảm đạm vẫn bao trùm.

Làn da sạm nắng, khuôn mặt hằn lên nhiều nếp nhăn, nếu không giới thiệu, chắc chúng tôi không thể nào đoán được ông Nguyễn Văn Lợi (bố đẻ nạn nhân Nguyễn Văn Quý, 23 tuổi, quê Quảng Bình) mới 43 tuổi. Ông Lợi túc trực tại bệnh viện này từ rạng sáng 26-3, ngay sau khi tai nạn xảy ra. Bên giường bệnh của con, ông kể: Tối hôm ấy tôi đang trên rẫy thì bất ngờ nhận được điện thoại thông báo thằng Quý bị tai nạn nặng lắm. Nghe xong mà rụng rời, cơ thể như có một luồng xung điện chạy qua, bước đi không vững nữa. Chỉ vội về nhà thu dọn một ít đồ, hai vợ chồng tôi bắt xe đi thẳng tới đây...

"Gia đình tôi vất vả lắm chú ạ, sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng với đi rừng!" - Ông nói tiếp: Thằng Quý là con cả trong nhà, dưới nó còn một em gái. Cũng vì cuộc sống khó khăn của gia đình mà khi vừa học xong cấp III, nó đã nằng nặc xin bố mẹ cho đi làm. Nhờ anh em bạn bè giới thiệu, nó mới làm ở đây được vài tháng thì xảy ra sự việc đau buồn này. Con giữ được mạng là cái may rồi, nhưng giờ cuộc sống gia đình chúng tôi lại càng thêm khó khăn...

Tại khoa Chấn thương, chăm sóc em trai Nguyễn Thái Đức (sinh năm 1985, ở Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), anh Nguyễn Văn Bảo buồn rầu: Hôm vào, nhìn thấy em, mình đau lòng quá! Toàn thân băng bó, phần đầu trùm kín dây băng. Nó bị thương khá nặng, được sự chăm sóc kịp thời của các bác sĩ, cơn nguy kịch đã qua nhưng giờ vẫn hay mê sảng. Bảo kể: Đức là em thứ ba trong gia đình có 6 anh em. Mới lập gia đình hơn một năm nay và có một cháu mới 7 tháng tuổi, nên Đức là trụ cột chính trong gia đình. Cuộc sống ở quê còn nhiều khó khăn, vợ chưa có công việc ổn định nên Đức phải đi làm xa để có tích lũy gửi về cho gia đình. "Vậy mà giờ, nó bị thế này!" - Anh Bảo thở dài.

2. Ba ngày sau sự cố tai nạn ở Vũng Áng, chúng tôi về huyện Diễn Châu, Nghệ An, nơi có 2 nạn nhân trong tổng số 13 người thiệt mạng của vụ sập giàn giáo, để trao số tiền ít ỏi mà anh em phóng viên quyên góp được. Nhà anh Lâm Hữu Chính (sinh năm 1978, ở xóm 7, xã Diễn Thành) không khó tìm, chỉ cách quốc lộ 1 chừng 500m. Đó là ngôi nhà mái bằng, một tầng nằm giữa làng, rộng chừng 40m2. Gia đình đang làm lễ 3 ngày cho anh nên mọi người tập trung đông đủ. Chị Nguyễn Thị Kiều (sinh năm 1979), vợ anh Chính, nghẹn ngào: Gia đình tôi có 5 người gồm 1 mẹ già, hai vợ chồng và hai con, cháu trai lớn 11 tuổi, cháu gái út 9 tuổi. Cuộc sống gia đình trông cả vào anh ấy. Đồng lương thợ may của tôi hơn 2 triệu đồng/tháng không đủ lo cuộc sống. Giờ anh mất đi, chúng tôi cũng chưa biết sẽ phải xoay xở như thế nào?

Vợ và con nạn nhân Phạm Xuân Hùng.


Anh Lâm Hữu Chiến, em ruột anh Chính, cũng làm việc tại Formosa cho biết thêm, anh Chính rất chịu khó, ham làm, thường xuyên tăng ca để tăng thu nhập. Lương chính ký với công ty là 7 triệu đồng/tháng, nhưng anh luôn cố gắng làm thêm 4 tiếng/ngày để đạt được trung bình hằng tháng khoảng 11 triệu đồng. Điều kiện khó khăn anh ấy đều cố gắng vượt qua để có tiền gửi về nhà. Về tai nạn xảy ra tại công trường, anh Chiến nói: "Công ty phải chịu trách nhiệm chính. Bởi hầu hết công nhân đang làm việc ở công trường này đều không được đào tạo để làm việc trên giàn giáo. Họ bảo làm gì thì làm thôi, toàn công việc chân tay. Lúc tuyển công nhân, phía công ty cũng không nói rõ yêu cầu như thế nào. Mọi người vừa làm vừa học, vừa chỉ dẫn cho nhau". Trong khi đó trao đổi trong buổi họp báo sáng 27-3, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn về an toàn lao động cho công nhân tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, anh Chiến lại cho rằng: "Lần gần nhất mọi người được tập huấn cũng đã được một năm rồi!". Anh Chiến cho biết thêm, sau đám tang của anh trai sẽ không trở lại Formosa làm nữa, tính cách tìm công việc khác để trợ giúp, đỡ đần gia đình anh Chính.

Rời gia đình anh Chính, xuôi về theo hướng Hà Nội thêm 12km nữa, chúng tôi tới nhà anh Phạm Xuân Hùng (sinh năm 1986, ở xóm 6, xã Diễn Yên). Khi chúng tôi tới nhà, bà nội anh Hùng ngồi giữa khoảng sân rộng trước bàn thờ của cháu với nét mặt thẫn thờ. Nỗi đau của "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh" quá lớn khiến bà không còn sức mà để tâm đến những gì xung quanh. Vợ anh Hùng nấc nghẹn khi tâm sự với chúng tôi: Vợ chồng em yêu nhau từ khi học chung Trường Cao đẳng Nông nghiệp ở Nhổn, Hà Nội. Chúng em tốt nghiệp, có bằng cử nhân nhưng chưa xin được việc làm. Lập gia đình, em quê ở Phú Thọ, theo anh ấy về Nghệ An, đến nay có 2 cháu, con trai lớn mới 4 tuổi, cháu gái nhỏ thì vừa tròn 19 tháng. Năm ngoái, chúng em được ông bà đồng ý cho mượn căn nhà phía mặt đường xóm để mở quán bán đồ ăn sáng nhưng không đủ chi tiêu. Tết rồi, hai vợ chồng bàn tính mãi, anh ấy quyết đi làm ở xa để tăng thêm thu nhập. Nghe anh em bạn bè nói, làm công nhân tại Formosa có mức lương khá, trong 1 tháng được làm 15 ngày ca sáng, 15 ngày ca đêm, ca đêm có mức lương cao hơn ca sáng nên anh ấy nộp đơn đăng ký xin việc. "Ngày 1-3 vừa rồi, chúng em xa nhau và đến nay là xa mãi" - vợ anh Hùng nấc nghẹn - "25 ngày đi làm ở đó anh ấy chưa về nhà một lần, chỉ điện thoại hỏi thăm vợ, các con, nói rất nhớ hai đứa. Anh ấy còn hẹn ngày mùng 8 âm lịch này sẽ về thăm nhà và cùng dự đám cưới nhà anh họ. Vậy mà...".

3. Rời căn nhà nhỏ ở Diễn Yên khi trời đã tối mịt. Nhóm phóng viên Báo Hànộimới ghé vội bên đường ăn cơm mà lòng nặng trĩu. Trong tôi vẫn đọng lại ánh mắt trong veo của cô bé 19 tháng tuổi con gái nạn nhân Hùng. Cháu vẫn vô tư vui đùa khiến cho người lớn càng thêm đau lòng. Rồi đây, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, sẽ san sẻ giúp đỡ những gia đình, nạn nhân trong vụ tai nạn kinh hoàng tại Formosa (Hà Tĩnh). Nhưng bao nhiêu cũng không đủ. Giá như, phải nói từ "giá như" bởi giá như các cơ quan chức năng sâu sát hơn, quan tâm nhiều hơn đến an toàn lao động thì sẽ không có những nỗi đau lớn đến như thế…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá như vợi được nỗi đau!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.