Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới ngày 16-5 biến động trái chiều. Đáng chú ý, giá ngô giảm phiên thứ 3 liên tiếp.
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, với khoảng 60% số mặt hàng tăng giá, chỉ số MXV-Index nhích nhẹ 0,03% lên 2.310,37 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 6.400 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền đầu tư tập trung nhiều nhất ở hai nhóm nông sản và kim loại, chiếm gần 80%.
Giá ngô tiếp tục hạ nhiệt sau khi đạt mức cao nhất trong 4 tháng qua. Đóng cửa phiên giao dịch 16-5, mặt hàng này suy yếu hơn 1%, kéo dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp. Doanh số bán hàng kém khả quan của Mỹ là yếu tố đã thúc đẩy lực bán trên thị trường vào hôm qua.
Trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, doanh số bán ngô niên vụ 2023-2024 của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 9-5 đạt 742.000 tấn, giảm 16,5% so với tuần trước. Con số này cũng nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường.
Giá lúa mì tăng khá mạnh khi mở cửa, song đã quay đầu suy yếu trước triển vọng tích cực về nguồn cung tại Mỹ.
Trên thị trường nội địa, giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu đến các cảng của nước ta đều quay đầu giảm theo xu hướng thế giới, với mức giảm khoảng 50.000 đồng/tấn. Hiện tại, giá ngô tháng 6 cập cảng Cái Lân và Vũng Tàu dao động trong khoảng 6.700-6.900 đồng/kg.
Khác với thị trường nông sản, diễn biến tăng giá có phần chiếm ưu thế trên thị trường kim loại.
Giá bạc và giá bạch kim nối dài đà tăng khi kỳ vọng hạ lãi suất đang được củng cố. Chốt ngày, giá bạc tăng 0,49% lên 29,8 USD/ounce, duy trì ở mức đỉnh cao nhất 11 năm và đánh dấu phiên tăng giá thứ ba liên tiếp. Giá bạch kim cũng kéo dài đà tăng sang phiên thứ sáu liên tiếp, đóng cửa tại mức 1.071,3 USD/ounce nhờ tăng 0,11%.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng LME tăng mạnh hơn 2% do bức tranh vĩ mô cải thiện và rủi ro thiếu hụt nguồn cung vẫn tiềm ẩn, trong khi triển vọng tiêu thụ ngày càng trở nên lạc quan.
Cùng chung xu hướng, giá quặng sắt phục hồi 2,49% lên 116,47 USD/tấn do kỳ vọng tiêu thụ cải thiện trong khi tồn kho thép giảm tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.