(HNM) - Giá lương thực trên thị trường thế giới đã lên tới "mức đỉnh điểm" trong tháng 1-2011, vượt kỷ lục năm 2008. Tổ chức Lương - Nông Liên hợp quốc (FAO) lo ngại tình trạng giá lương thực tăng sẽ tạo ra nguy cơ bạo loạn tái diễn tại các nước nghèo. Giá lương thực - thực phẩm đắt đỏ được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng phản đối tại một số nước Bắc Phi, mà điển hình là ở Tunisia và Ai Cập.
Theo FAO, giá lương thực trong tháng 1-2011 đã tăng 3,4% so với tháng 12 năm trước, lên đến 231 điểm theo chỉ số của tổ chức này. Đây là kỷ lục cao nhất từ khi FAO thiết lập biện pháp đo lường này vào năm 1990. Tuy giá thịt vẫn ổn định, nhưng giá các loại nhu yếu phẩm khác như ngũ cốc, dầu ăn và sữa đã tăng từ 3% đến 6,2%. Do thời tiết xấu, tình trạng giá cả tăng nhiều nhất xảy ra tại châu Á.
Trung Quốc đang chịu đợt hạn hán trầm trọng nhất từ 60 năm nay. Suốt 120 ngày qua, một vùng đất canh tác trải dài từ Hà Nam đến Sơn Đông, tới 5 triệu hécta, không có một giọt mưa. Các chuyên gia cho rằng nếu hạn hán kéo dài đến tháng 3, tháng 4 thì mùa lúa mì năm nay tại Trung Quốc sẽ thất bát không dưới 10 triệu tấn. Tình hình Ấn Độ cũng không khá hơn do nạn hạn hán nghiêm trọng. Nếu cả hai nước này cùng mất mùa thì giá cả sẽ chịu tác động khủng khiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.