Từ tháng 6 đến nay, giá lợn hơi trên thị trường tăng mạnh, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi có chiều hướng giảm. Điều này có lợi cho người chăn nuôi vì giá thành sản xuất giảm, thuận lợi cho việc tái đàn.
Giá tăng, nguồn cung ổn định
Ngày 18-7, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước tăng. Tại miền Bắc, giá dao động trong khoảng 64.000-65.000 đồng/kg, tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với cuối tháng 5-2023. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi được các thương lái thu mua trong khoảng 59.000-63.000 đồng/kg; tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với cuối tháng 5. Tại miền Nam, giá lợn hơi 58.000-66.000 đồng/kg, tăng khoảng 6.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 5-2023.
Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, giá lợn hơi có chiều hướng tăng mạnh. Hiện, Hợp tác xã xuất bán với giá 65.000 đồng/kg.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho biết, sau Tết Nguyên đán 2023, giá lợn hơi có thời điểm chỉ dao động hơn 40.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất, người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, từ quý II-2023, giá lợn hơi có dấu hiệu tăng trở lại, mức giá cao nhất là 66.000 đồng/kg. Đây được coi là mức giá cao nhất trong khoảng 1 năm trở lại đây. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong dịp hè khi các nhà hàng, khách sạn hoạt động trở lại.
“Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp và chuỗi liên kết sản xuất đang có xu hướng mở rộng sản xuất khi giá sản phẩm đầu ra tăng. Tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6-2023 khoảng hơn 28 triệu con, tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022”, ông Tống Xuân Chinh cho biết thêm.
Trong khi giá lợn hơi tăng, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ. Theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, hiện giá thức ăn chăn nuôi giảm 400 đồng/kg (khoảng 3%). Mặc dù không tăng nhiều so với trước đó nhưng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đang hạ nhiệt, giá cước vận chuyển về Việt Nam cũng giảm gần về mức cũ trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm dần - điều này có lợi cho người chăn nuôi trong quá trình tái đàn từ nay đến cuối năm.
Sản xuất theo nhu cầu của thị trường
Hiện nay, giá sản phẩm đầu ra cho chăn nuôi tăng trở lại. Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như: Đậu tương, ngô, lúa mì… đều giảm nhiệt so với năm ngoái. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao...
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho biết, từ nay đến cuối năm, Cục Chăn nuôi tập trung nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương, cơ sở giống lợn; tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi trên cơ sở dịch vụ công và chuyển đổi số, ứng dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở giống trên hệ thống.
Bên cạnh đó, Cục phối hợp với Cục Thú y và đơn vị liên quan trong triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng. Ngoài ra, Cục tăng cường kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới; có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao, bảo đảm về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng phát triển bền vững, các địa phương khuyến khích các hộ chăn nuôi xây dựng chuỗi liên kết, giảm thấp nhất các khâu trung gian, hướng đến phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 10-12 chuỗi sản xuất liên kết lớn về thịt lợn. Cùng với đó, các địa phương có thêm chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong giai đoạn tới. Mặt khác, ngành đẩy mạnh tuyên truyền tới các hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất gắn với thị trường để đầu ra ổn định.
Bộ NN&PTNT đang xây dựng quy định và chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao theo chuỗi về giống, thức ăn, sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ như: Masan, Dabaco, CP, Japfa, Deuh… phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.