(NSHN) - Ngày 11-5, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện đã đẩy mạnh thành lập các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn huyện đã thành lập 19 “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 216 “Điểm chữa cháy công cộng” với sự hưởng ứng của đông đảo của quần chúng nhân dân, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Kết quả ban đầu này cho thấy, Gia Lâm là một trong những địa bàn đi đầu thành phố trong việc thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 16-2-2023 của UBND thành phố Hà Nội về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng là xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Đồng thời với số lượng, chất lượng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng được đặc biệt quan tâm.
Công an huyện Gia Lâm đã tích cực phổ biến để người dân nắm rõ, “Tổ liên gia an toàn PCCC” được thành lập trong khu dân cư, gồm từ 5-15 hộ dân sống gần nhau với nhiệm vụ giúp đỡ, vận động mọi người trong tổ thực hiện đầy đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và tự trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình. Trang bị các phương tiện chuông báo cháy, kẻng báo cháy... để thông báo các thành viên khi có cháy xảy ra tại hộ gia đình mình; tham gia hỗ trợ chữa cháy, cứu người, cứu tài sản khi có cháy xảy ra tại hộ gia đình các thành viên và các khu vực lân cận khi có yêu cầu.
“Điểm chữa cháy công cộng” được thành lập trong khu dân cư, làng nghề, ngõ, hẻm tập trung đông dân cư (hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà trọ, …) có chiều dài từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận. Mỗi điểm chữa cháy công cộng được trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ (búa, xà beng, kìm cộng lực…) sử dụng để kịp thời chữa cháy, cứu người, cứu tài sản ngay khi đám cháy mới xảy ra. “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” được xây dựng với mục đích nhằm phát huy tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn.
Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm khẳng định, thời gian tới, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, tập huấn, đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng mới, nhân rộng vững chắc các mô hình hiệu quả về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” hướng tới mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.