Nông thôn mới

Gia Lâm nỗ lực về đích huyện nông thôn mới nâng cao

Nguyễn Mai 18/10/2024 - 06:39

Huyện Gia Lâm đã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Huyện Gia Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Từ đó đến nay, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với thực hiện các tiêu chí của đơn vị hành chính quận và phường theo lộ trình. Hiện, đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ trình các cấp công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.

dien-mao-nong-thon-moi-khang-trang-tai-xa-bat-trang-huyen-gia-lam-.-anh-nguyen-quang.jpg
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Đổi thay trên các làng quê

Xã Bát Tràng hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao từ năm 2020 và hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 với 2 lĩnh vực tự chọn là an ninh trật tự và du lịch. Đến Bát Tràng hôm nay, 100% đường ngõ xóm có hệ thống đèn điện chiếu sáng; các trường học đều đạt chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Xã có 5 nơi sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng và 5/5 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”.

Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, với lĩnh vực du lịch, Bát Tràng đã được công nhận là điểm du lịch của thành phố, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Không chỉ với xã nghề Bát Tràng, đổi thay cũng đến với xã Phù Đổng, nơi làng quê thuần nông với đặc trưng là vùng nuôi bò sữa và chuyên canh hoa giấy.

Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt cho hay, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung giai đoạn 2021-2025”. Trên cơ sở đó, xã Phù Đổng được định hướng là vùng trồng hoa giấy, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, trồng cây ăn quả ở vùng bãi...

Xã Phù Đổng đã thực hiện chuyển đổi hơn 339ha từ đất trồng lúa, cây màu kém hiệu quả sang trồng hoa cây cảnh và cây ăn quả; trong đó có khoảng 139ha trồng hoa cây cảnh, đạt doanh thu bình quân gần 900 triệu đồng/ha/năm. Hiện có khoảng 560 hộ dân ở xã Phù Đổng làm nghề trồng hoa giấy. Thu nhập bình quân của người làm nghề này là 16-18 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 2 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp hoặc dịch vụ khác. Phù Đổng cũng là một trong 5 xã của huyện Gia Lâm cán đích xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã mang tới rất nhiều những đổi thay cho các làng quê trên địa bàn huyện Gia Lâm, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một cao hơn.

Huy động được nguồn lực lớn

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XXII và các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Huyện ủy Gia Lâm đã ban hành các chương trình, nghị quyết, trong đó chỉ đạo xây dựng và triển khai các kế hoạch về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đầu tư, xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận giai đoạn 2021-2025; phân công chi tiết nhiệm vụ, tiến độ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn và các thành viên triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Huyện cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành của thành phố rà soát, đánh giá tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tiêu chuẩn thành lập quận, phường, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị đề xuất với thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, huyện đã huy động được nguồn lực khá lớn cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Gia Lâm từ năm 2010 đến 2023 lên tới hơn 8.730 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2019-2023 là hơn 4.624 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã có những cách làm hiệu quả, huy động được nguồn lực lớn cho xây dựng nông thôn mới.

Chẳng hạn, tại xã Dương Quang, từ năm 2016 đến hết năm 2023, xã đã huy động được hơn 383 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, ngân sách thành phố là hơn 87 tỷ đồng, chiếm 24,3%; ngân sách huyện hơn 271 tỷ đồng, chiếm 75,6%; số còn lại là ngân sách xã và xã hội hóa… Còn tại xã Kim Sơn, tổng vốn đầu tư từ ngân sách xây dựng nông thôn mới nâng cao cũng đạt hơn 310 tỷ đồng, trong đó 86% là vốn từ ngân sách huyện.

Đặc biệt, với xã Đông Dư, mặc dù có diện tích nhỏ, dân số không đông, nhưng xã cũng đã huy động được hơn 147 tỷ đồng, trong đó xã hội hóa được hơn 40 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn đầu tư lớn góp phần giúp xã hoàn thiện và nâng cao các công trình hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa..., đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngoài nguồn vốn ngân sách, toàn huyện có trên 600 hộ dân tham gia hiến hơn 61.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, tập trung tại các xã: Lệ Chi, Kim Sơn, Đình Xuyên, Đặng Xá… và đóng góp được gần 400 tỷ đồng, hơn 18.338 ngày công lao động để làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông, kênh mương... Nhờ vậy, đến nay, huyện Gia Lâm đã đáp ứng đủ các tiêu chí và đã được UBND thành phố trình Bộ NN&PTNT hồ sơ xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm nỗ lực về đích huyện nông thôn mới nâng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.