Tính đến hết năm 2022, huyện Gia Lâm có 105 sản phẩm được thành phố đánh giá phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP còn thời hạn chứng nhận, tập trung ở nhóm thực phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề.
Ngày 21-10, huyện Gia Lâm tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) lần 1 đối với 30 sản phẩm của các chủ thể trên địa bàn huyện, năm 2023.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, UBND huyện phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần Sông Đà Kinh Bắc) tổ chức hội nghị thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023, để lựa chọn, quảng bá các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế của huyện, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Năm 2023, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đăng ký 30 sản phẩm tham gia đánh giá Chương trình OCOP, gồm: Bộ Bát bảo lưu thủy binh, bộ chum 2 nắp trống đồng Đông Sơn Âu Lạc của hộ kinh doanh gốm sứ Việt Hoàng; bộ bình gốm sứ vuốt tay hút lộc Diệu Nguyễn (xã Bát Tràng); tranh sứ Tiên Ngư vạn nguyệt của hộ kinh doanh Phạm Văn Nguyên; tranh sứ Hạ liên thảo ngư đồ của hộ kinh doanh Phạm Văn Hổ; nậm rượu Long phụng viên mãn, tinh hoa văn lang của Công ty TNHH gốm sứ Việt Trung (xã Kim Lan); hoa giấy xã Phù Đổng; rau chất lượng cao (xã Đa Tốn)...
Kết quả đánh giá, có 1 sản phẩm rau chất lượng cao được chấm điểm đạt OCOP 4 sao, 29 sản phẩm còn lại đạt 3 sao.
Ngay sau vòng đánh giá OCOP cấp huyện, huyện Gia Lâm tiếp tục hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để đề nghị cấp thành phố chấm điểm, đánh giá phân hạng và công nhận đối với các sản phẩm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.