Thị trường

Giá kim loại đồng loạt tăng, cà phê, ca cao lao dốc

Lam Giang 07/10/2024 - 09:11

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần giao dịch từ 30-9 đến 6-10 kéo chỉ số MXV-Index tăng 1,91% lên 2.252 điểm. Trong đó, giá kim loại đồng loạt tăng, giá cà phê, ca cao lao dốc.

7.10-kim-loai-3-.png
Bảng giá kim loại tuần từ 30-9 đến 6-10. Nguồn: MXV

Khép lại tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường kim loại với 7/10 mặt hàng tăng giá.

Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp khi tăng 1,82% lên 32,39 USD/ounce, duy trì ở vùng giá cao nhất 12 năm trở lại đây. Ở chiều ngược lại, giá bạch kim để mất gần 2% giá trị, chốt tuần tại mức 1.001,7 USD/ounce.

Nhờ phát huy vai trò trú ẩn an toàn, giá kim loại quý tăng do lo ngại căng leo thang ở Trung Đông sau khi Iran bất ngờ tấn công Israel vào rạng sáng 2-10. Tuy nhiên, mức tăng của giá bạc đã bị cản lại do loạt dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ công bố vào tuần trước, cùng sự suy giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục hạ lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, sau “cú huých” kích thích kinh tế quy mô lớn gần đây của Trung Quốc, giá quặng sắt tiếp tục tăng mạnh tuy mức tăng đã thu hẹp hơn so với tuần trước khi thanh khoản thị trường thấp hơn do Trung Quốc đang nghỉ lễ Quốc khánh. Chốt tuần, giá quặng sắt tăng 6,32% lên 108,6 USD/tấn, vùng cao nhất hơn hai tháng trở lại đây.

Ở chiều ngược lại, giá đồng COMEX điều chỉnh giảm trở lại sau ba tuần tăng giá liên tiếp, đóng cửa tuần tại mức 10.083 USD/tấn sau khi giảm 0,55%.

7.10-nlcn.png
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp tuần từ 30-9 đến 6-10. Nguồn: MXV

Khép lại tuần giao dịch vừa qua, giá cà phê Arabica quay đầu giảm 4,38% từ mức cao nhất trong 13 năm; giá cà phê Robusta đánh mất gần 8% so với tham chiếu xuống mức hơn 5.000 USD/tấn.

Thông tin cơ bản về thời tiết xoay chiều, kết hợp cùng sự dịch chuyển dòng tiền liên thị trường khi căng thẳng địa chính trị leo thang là những nguyên nhân hàng đầu gây sức ép lên giá.

Đáng chú ý, cơ quan dự báo thời tiết tại Brazil cho biết mưa có thể trở lại vùng Đông Nam - khu vực trồng cà phê chính của Brazil từ tuần này, tạo điều kiện cho cây cà phê phục hồi và phát triển, điều này đã gây sức ép lên giá.

Giá ca cao đánh mất gần 15% về mức 7.069 USD/tấn khi các quốc gia sản xuất chính như Bờ Biển Ngà, Ghana có tín hiệu cải thiện rõ nét do thời tiết thích hợp hơn cho sự phát triển mùa vụ ca cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá kim loại đồng loạt tăng, cà phê, ca cao lao dốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.