(HNM) - Việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào
- Thưa ông, vì sao"Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" được chọn là chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam năm nay?
- Bữa cơm GĐ là dịp để các thành viên trong GĐ quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập, lao động và bởi vậy có ý nghĩa nền tảng vun đắp hạnh phúc gia đình. Trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước, cuộc sống bận rộn, giá trị văn hóa truyền thống có sự biến đổi, bữa cơm GĐ không thường đủ mặt thành viên như trước. Bộ VH-TT&DL lấy chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" với ý nghĩa kêu gọi, nhắc nhở, vận động mọi người trân trọng những phút giây sum họp bên mâm cơm GĐ.
Gia đình là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách con người. |
- Xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là nội dung nòng cốt của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Sau hơn 20 năm thực hiện, nước ta có gần 80% GĐ đạt chuẩn danh hiệu văn hóa. Nhiều ý kiến cho rằng con số này không phản ánh đúng thực tiễn, ông nghĩ sao về điều này?
- Chúng tôi từng nghe ý kiến đề nghị xem xét lại việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", nhưng, xét kỹ thì hiện nay chưa có mô hình nào phù hợp hơn. Về chất lượng bình chọn GĐVH, khó khăn hiện nay là mâu thuẫn, xung đột trong GĐ thì chỉ có các thành viên trong gia đình biết rõ, người ngoài khó biết nên việc bình chọn khó có thể chính xác như khi bình xét trong các cơ quan nhà nước. Ngành VH-TT&DL là cơ quan quản lý về công tác GĐ, song lực lượng cán bộ có hạn, không thể kiểm soát hết được chất lượng bình chọn đối với hàng triệu hộ GĐ tham gia bình xét hằng năm. Ngành văn hóa đang khắc phục tình trạng này bằng cách thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở cơ sở, đẩy mạnh việc kiểm tra mặt công tác này.
- Thấy rõ "bệnh" thành tích, vậy tại sao Bộ VH-TT&DL vẫn giao chỉ tiêu đăng ký và chỉ tiêu đạt chuẩn danh hiệu GĐVH năm sau cao hơn năm trước cho các tỉnh, thành phố, thưa ông?
- Ở góc độ quản lý nhà nước, muốn đánh giá chất lượng, hiệu quả của một phong trào thì phải có công cụ để đo. Việc giao chỉ tiêu GĐVH trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có ý nghĩa tạo căn cứ để đánh giá chứ không phải là chạy theo thành tích. Bộ luôn khuyến khích các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong việc bình xét danh hiệu GĐVH, song, để đạt hiệu quả như mong muốn thì cần có quá trình.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về tình trạng bạo lực GĐ hiện nay?
- Đó là một vấn đề gây nhức nhối, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Kết quả điều tra, khảo sát tại một số địa phương cho thấy, hiện nay, bạo lực GĐ đã giảm về số vụ việc nhưng tính chất bạo lực thì ngày một nghiêm trọng hơn. Người Việt thường có tâm lý "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại", bởi vậy, hầu hết vụ việc khi được phát hiện thì đã ở tình trạng nghiêm trọng. Bạo lực GĐ đang là một trong số nguyên nhân làm giảm chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
- Với những tồn tại trong công tác GĐ, Bộ VH-TT&DL có giải pháp gì để khắc phục, thưa ông?
- Ngoài việc duy trì các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hằng năm, Việt Nam đã có "Năm gia đình Việt Nam" 2013 và lần đầu tiên chúng ta tham gia hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3-2014). Đó là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về giá trị, ý nghĩa của GĐ. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thức của người dân được nâng cao, thúc đẩy hành vi chăm sóc và tạo dựng GĐ êm ấm, hạnh phúc. Đó là thành quả nhìn thấy rõ. Quan trọng hơn, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở cũng có sự thay đổi nhận thức về công tác GĐ, nhiều mô hình phòng, chống bạo lực GĐ được thành lập, phát huy tác dụng.
Thực hiện "Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030", Bộ VH-TT&DL và các bộ, ngành chức năng đang tiến hành xây dựng 7 đề án về công tác GĐ để trình Chính phủ phê duyệt. Chúng ta đang hướng tới xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh, hạnh phúc, mỗi người cần nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong GĐ, xã hội và thực hiện đúng trách nhiệm. Các cơ quan chức năng phải đề cao công tác giáo dục nhân cách, đạo đức cho con người.
- Thưa ông, ngành VH-TT&DL sẽ triển khai công tác GĐ theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TƯ về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" như thế nào?
- Nghị quyết mới ban hành nên chưa thể có ngay kế hoạch triển khai cụ thể. Hiện nay, Bộ VH-TT&DL đã giao nhiệm vụ cho một bộ phận xây dựng dự thảo kế hoạch, sau đó sẽ xin ý kiến của các nhà khoa học trước khi trình Chính phủ xem xét. Trước mắt, ngành dành sự quan tâm nhiều hơn đến GĐ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư; GĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.