(HNMO) - Sáng 28-6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” nhân Ngày Gia đình Việt Nam.
Hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” do Bộ VH,TT&DL tổ chức. |
Theo báo cáo của Bộ VH,TT&DL, tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và cả xã hội.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trong hai năm 2017 và 2018, toàn quốc có 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến việc thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu.
Một số địa phương chưa khơi dậy và phát huy hết các nguồn lực, vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học, cộng đồng cơ sở đối với bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác truyền thông vận động để mọi người dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa rộng khắp.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại hội thảo. |
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, để phòng, chống nạn xâm hại trẻ em thì gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người cũng như là chốn bình yên nhất của mỗi người. Do đó, mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình.
Đại diện Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, bên cạnh việc bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, xử lý nghiêm những vụ vi phạm bạo lực, xâm hại trẻ em thì các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông về các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Bên cạnh đó, vai trò gia đình cần phải được đề cao. Các phụ huynh phải trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.