Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) sáng 21-3 cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong ngày hôm qua (20-3). Tuy nhiên, lực bán chiếm ưu thế đã kéo chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm 0,27% xuống 2.214 điểm.
Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 7.100 tỷ đồng. Kết thúc ngày giao dịch 20-3, giá dầu gặp sức ép khi áp lực bán chốt lời xuất hiện sau chuỗi tăng nóng nhiều phiên liên tiếp. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực về nhu cầu và các yếu tố vĩ mô đã hạn chế đà giảm của giá về cuối phiên.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 1,76% xuống 81,27 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,64% xuống 85,95 USD/thùng.
Sau đợt tăng nóng, đặc biệt là khi giá đã đi vào vùng quá mua khiến áp lực bán dần gia tăng mạnh mẽ, tâm lý thị trường thận trọng hơn gây sức ép lớn lên giá trong đầu phiên.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dần thu hẹp sau báo cáo tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Báo cáo cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15-3 giảm 1,9 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 1,5 triệu thùng theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) và trái ngược với dự báo tăng 10.000 thùng của Reuters. Trong khi đó, tồn kho xăng ghi nhận tuần giảm thứ 7 liên tiếp với mức giảm mạnh 3,3 triệu thùng về 230,7 triệu thùng, phản ánh nhu cầu xăng nội địa tại Mỹ ngày càng gia tăng.
Tín hiệu nguồn cung thắt chặt từ Nga cũng góp phần hạn chế đà giảm của giá. Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga gần như xóa sạch mức tăng trong tuần trước do cảng Primorsk ở Baltic bảo trì và gió mạnh trên bờ biển Thái Bình Dương ảnh hưởng đến các chuyến hàng từ hai cảng dầu quan trọng nhất. Theo đó, lưu lượng dầu thô bằng đường biển của Nga trong tuần tính đến ngày 17-3 đã giảm 730.000 thùng/ngày xuống 2,97 triệu thùng. Mức trung bình 4 tuần ít biến động hơn cũng ghi nhận mức giảm khoảng 40.000 thùng/ngày xuống còn 3,28 triệu thùng/ngày.
Đáng chú ý, ngày 20-3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ 5 liên tiếp ở phạm vi 5,25 - 5,5%. FED cũng giữ nguyên dự báo sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm, lạc quan hơn so với một số dự đoán của thị trường.
Kỳ vọng FED sớm xoay trục chính sách tiền tệ trong năm nay đã thúc đẩy đáng kể tâm lý tích cực của thị trường, hỗ trợ giá dầu về cuối phiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.