Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch hôm qua (15-10). Đáng chú ý, giá dầu thế giới lao dốc sau khi IEA hạ dự báo tăng trưởng.
Chỉ số MXV-Index năng lượng ghi nhận mức giảm mạnh nhất, dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường, sắc đỏ gần như phủ kín thị trường kim loại trong ngày hôm qua. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 1,45% xuống mức 2.173 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15-10, giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, dầu thô WTI mất 4,4%, về mức 70,58 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent cũng sụt hơn 4%, xuống còn 74,25 USD/thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng và nhận định thị trường sẽ quay lại trạng thái thặng dư trong năm tới, gây sức ép lớn lên giá dầu.
Trong báo cáo thị trường năng lượng tháng 10, IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 chỉ đạt 862.000 thùng/ngày do tiêu thụ giảm tốc tại Trung Quốc. Con số này thấp hơn mức 903.000 thùng/ngày được ước tính hồi tháng 9. Cơ quan này dự kiến nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 150.000 thùng/ngày vào năm 2024, giảm 30.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Tiêu thụ giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với cùng tháng năm ngoái, và đây đã là tháng giảm thứ tư liên tiếp.
Trong khi đó, nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất ngoài Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang tăng mạnh mẽ và dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm tới với mức tăng đến từ hầu hết các quốc gia Mỹ, Brazil, Guyana và Canada.
Theo MXV, kết phiên ngày hôm qua, trên bảng giá kim loại có tới 8 mặt hàng trong tổng số 10 mặt hàng giảm giá.
Đối với kim loại quý, giá bạc phục hồi trở lại khi tăng 1,41% lên 31,75 USD/ounce. Ngược lại, giá bạch kim đảo chiều giảm sau ba phiên tăng liên tiếp. Chốt phiên, giá bạch kim giảm 0,75% so với tham chiếu về mức 996,6 USD/ounce, chủ yếu là do lực bán chốt lời của giới đầu tư.
Đối với kim loại cơ bản, hầu hết mặt hàng trong nhóm đều ghi nhận mức giảm khoảng 1%. Giá các mặt hàng tiếp tục lao dốc do giới đầu tư thất vọng khi Chính phủ Trung Quốc không công bố biện pháp kích thích kinh tế cụ thể nào trong cuộc họp báo hôm thứ hai (15-10).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.