Tại huyện Hoài Đức, nhiều lô đất đấu giá vừa trúng 91,3 - 133,3 triệu đồng/mét vuông đang dấy lên luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng...
Ngày 19-8, huyện Hoài Đức tổ chức phiên đấu giá đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên với 19 ô đất, thu hút sự tham gia của hơn 500 khách hàng và hơn 1.500 hồ sơ đủ điều kiện. Mức giá khởi điểm được đưa ra là 7,3 triệu đồng/m2, bước giá tối thiểu là 6 triệu đồng/m2.
Qua nhiều vòng đấu giá, sau 19 giờ, xuyên đêm 19 đến rạng sáng 20-8, nhiều lô đất trúng với mức thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2, cao nhất đạt 133,3 triệu đồng/m2.
Kết quả này đang dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng về tính hợp lý của mức giá.
Người dân, nhà đầu tư lên tiếng
Bà Nguyễn Ngọc Hoan ở phường Phú La (quận Hà Đông) - người tham gia phiên đấu giá ở Hoài Đức ngày 18-9, chia sẻ: "Tôi đến địa điểm đấu giá từ rất sớm để hoàn tất các thủ tục cần thiết. Về mặt tổ chức, tôi thấy an ninh trật tự và khâu chuẩn bị đều rất chu đáo. Tuy nhiên, phiên đấu giá kéo dài hơn dự kiến khiến tôi và nhiều người khác bất ngờ. Tôi rời hội trường khi đồng hồ đã chỉ hơn 1 giờ sáng và quyết định dừng tham gia ở vòng đấu thứ 5 bởi mức giá từ 80-90 triệu đồng/m2 cho các vị trí đắc địa là chấp nhận được; cao hơn nữa, nhà đầu tư hầu như không có cơ hội sinh lời vì giá đất quanh khu vực hiện chỉ dao động 50 triệu đồng/m2"...
Cùng quan điểm, anh Trần Ngọc Hoàng, cư dân xã Chu Minh, huyện Ba Vì, cũng là người tham gia phiên đấu giá, cho biết, đã thực sự "sốc" với các bước giá mà nhà đầu tư khác trả. Ngay từ vòng đấu đầu tiên, đã có người trả giá hơn 50 triệu đồng/m2. Các bước giá sau đó đều tăng khiến đa số nhà đầu tư cảm thấy hoang mang. Anh Hoàng cho rằng, phiên đấu giá này ảnh hưởng bởi một số nhà đầu tư cố tình đẩy giá lên cao để tạo sóng bất động sản quanh khu vực...
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với nhận định mức giá hơn 100 triệu đồng/m2 là quá cao. Một số nhà đầu tư và môi giới tại khu vực lại cho rằng, mức giá này hợp lý, đặc biệt đối với các lô đất có vị trí đẹp.
Bà Trần Thị Phượng, một nhà đầu tư đất nền tại khu vực phía Tây Hà Nội nói: "Mức giá trúng cao nhất với các lô đất có vị trí đẹp có thể quanh mức hơn 100 triệu đồng/m2. Con số này không bất ngờ, bởi giá đất thổ cư tại mặt đường xã Tiền Yên hiện đang được rao bán ở mức 70-80 triệu đồng/m2".
Bà Phượng lý giải thêm: Vị trí đấu giá này khá đẹp, sát đường Vành đai 4, gần sông, có cây xanh và không gian xung quanh sạch đẹp. Đặc biệt, tới đây, khi hạ tầng khu vực này hoàn thành, khớp nối với đường Vành đai 4, Vành đai 3,5, đường trục kết nối huyện Hoài Đức với Đại lộ Thăng Long và vùng phụ cận..., thì giá đấu ở mức 100 triệu đồng/m2 trở lên - nếu người mua có nhu cầu sử dụng thực vẫn là hợp lý.
Còn theo anh Nguyễn Văn Hanh, một môi giới bất động sản khu vực Hoài Đức chia sẻ thì giá chào bán liền kề, biệt thự của một số dự án quanh khu vực này đang ở mức 100-250 triệu đồng/m2. Do đó, với lợi thế của đất đấu giá là thủ tục pháp lý rõ ràng, diện tích vừa phải, nhà đầu tư có thể tự xây nhà, không phải qua chủ đầu tư… vẫn là một phân khúc “ưu việt” cho khách hàng lựa chọn.
Đấu giá nhiều vòng: Hiệu quả hay phiền phức?
Về phương thức đấu giá nhiều vòng ngày 19-8, các lô đất tại xã Tiền Yên có diện tích 74-118m2, giá khởi điểm từ 7,3 triệu đồng/m2, theo Giám đốc Trung tâm Quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng, mức giá khởi điểm này được xác định dựa trên phương pháp: Giá tại bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh (K).
Cụ thể, tại xã Tiền Yên, theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố, giá đất ở là 3,32 triệu đồng/m2 và hệ số K là 2,2. Với mức giá này, tiền đặt cọc của nhà đầu tư dao động từ 109 triệu đồng đến gần 173 triệu đồng mỗi lô.
Ông Hoàng cho biết, phương pháp định giá này đã tạo thuận lợi để các địa phương tổ chức đấu giá đất. Mặc dù, giá khởi điểm thấp hơn thị trường, nhưng phương thức đấu giá qua nhiều vòng với bước giá tối thiểu 6 triệu đồng/m2 sẽ ngăn chặn được tình trạng thông đồng để trúng giá thấp. Với phương thức này, không chỉ bảo đảm tính công bằng mà còn giúp huyện thu ngân sách tốt hơn. Nếu 19 chủ lô đất đều nộp đủ tiền, huyện có thể thu về khoảng 186 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cách tổ chức đấu giá kéo dài, xuyên đêm đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Trần Văn Đức, một nhà đầu tư từ thị trấn Quốc Oai, người đã rời cuộc đấu giá vào lúc gần 2 giờ sáng, cho rằng, phương thức đấu giá qua tối thiểu 6 vòng là tốn nhiều thời gian và công sức của nhà đầu tư. Anh Đức đề xuất cơ quan quản lý nên xem xét áp dụng công nghệ để các cuộc đấu giá đất diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Một so sánh đáng chú ý là phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai tổ chức 10 ngày trước đó cũng có số lượng người tham dự đông, với hơn 4.000 hồ sơ cho gần 70 lô đất, nhưng chỉ mất khoảng 5 giờ để hoàn thành. Điều này chủ yếu do khác biệt trong hình thức tiến hành đấu giá.
Tại Thanh Oai, toàn bộ nhà đầu tư viết phiếu trả giá một lần và đấu giá viên xem xét các phiếu công khai tại chỗ để xác định người trúng. Trong khi đó, Hoài Đức tổ chức đấu giá theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp qua nhiều vòng và tối thiểu qua 6 vòng. Cuộc đấu giá chỉ kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh khẳng định, mức giá khởi điểm và quá trình huyện tổ chức đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật. Huyện cũng đang thực hiện tốt các nhiệm vụ, thẩm quyền để các phiên đấu giá diễn ra an toàn, đúng quy định. Còn về việc giá đất bị thổi lên cao hay không, phải chờ đến hạn cuối, khi các chủ đầu tư nộp tiền, hay bỏ cọc, mới có thể khẳng định được.
Tuy nhiên, kết quả trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2 ở phiên đấu giá ngày 19-8 vừa qua không phải là mức giá cao nhất trên địa bàn huyện. Trước đó, tại phiên đấu giá đất ở xã Đông La, diễn ra đầu năm 2024 cũng đã có giá trúng là hơn 100 triệu đồng/m2.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Sở phối hợp thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra việc đấu giá đất tại ngoại thành trong thời gian gần đây, nhằm xác định có dấu hiệu của việc đội giá hoặc thổi giá hay không. Qua đánh giá sơ bộ ban đầu, các thủ tục liên quan đến định giá đất và tổ chức đấu giá tại các địa phương đều tuân thủ quy định pháp luật...
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho cho biết, việc giá đất trong các phiên đấu giá tăng cao đột biến cần chờ sau 30 ngày để đánh giá đúng nhu cầu thực tế. Trong trường hợp khách hàng bỏ cọc sau phiên đấu giá, có thể xem xét khả năng việc thổi giá, trục lợi, làm nhiễu loạn thị trường của một số khách hàng. Cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra để làm rõ vấn đề này. Ngược lại, nếu khách hàng trúng đấu giá và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, điều đó cho thấy, có thể đây là nhu cầu thực sự của một bộ phận khách hàng.
Theo kế hoạch, ngày 26-8, huyện Hoài Đức tiếp tục tổ chức đấu giá 20 ô đất cũng tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.