(HNM) - Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2010 của ngành thông tin và truyền thông (TT-TT) mới đây, lãnh đạo hai tập đoàn viễn thông đã bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh trên thị trường di động khiến các doanh nghiệp (DN) giảm lợi nhuận, gây thiệt hại cho nhà nước và cho khách hàng.
Nguy cơ "vỡ" thị trường
Khách hàng đăng ký dịch vụ tại một điểm của Vinaphone. Ảnh: Thanh Hải
Năm 2009, thị trường di động đã xảy ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các DN cung cấp dịch vụ. Đầu tiên là đợt giảm cước chưa từng có khi cả 3 "đại gia" Viettel, Mobifone, Vinaphone giảm cước 10-30% từ ngày 1-6. Tiếp theo đó là cuộc đua khuyến mãi tặng tiền vào thẻ sim (tài khoản nhân đôi và nhân ba) cho khách hàng kích hoạt mới, nhất là khi mạng Beeline chính thức hoạt động với "cơn lốc" BigZero (cước 1.199 đồng gọi trong 20 phút) càng "kéo" DN lớn đua khuyến mãi tặng 100-130% giá trị thẻ nạp cho khách hàng và miễn phí gọi nội mạng. Cuộc đua khuyến mãi chỉ tạm lắng khi Cục Quản lý giá (Bộ Công thương) có quy định khống chế về mức độ khuyến mãi, mặc dù sau đó những ngày cuối tháng 12-2009, các nhà mạng lại âm thầm khuyến mãi thêm một lần nữa. Khách hàng được lợi từ các chương trình khuyến mãi kiểu này. Tuy nhiên, đằng sau cuộc chạy đua cạnh tranh bằng khuyến mãi, chính các DN bị thiệt hại như giảm doanh thu, kéo theo giảm lợi nhuận... Bộ TT-TT cũng từng cảnh báo, các DN nếu cứ cạnh tranh bằng khuyến mãi sẽ khiến thị trường viễn thông "vỡ", DN dần giảm lợi nhuận, không có tiền để tái đầu tư và đóng góp công ích cho xã hội... Đáng chú ý, cả 3 DN Viettel, Mobifone, Vinaphone đều là những DN nhà nước, nên khi các DN này chịu thiệt hại cùng đồng nghĩa với việc nguồn thu từ ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng. Được biết, VNPT đứng thứ 2 và Viettel đứng thứ 4 về nộp ngân sách trong khối DN. Theo báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường nước ngoài mới công bố, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao di động (ARPU) tại Việt Nam giảm nhanh trong những năm qua (năm 2008, ARPU đạt 6 USD/thuê bao, giảm 8% so với năm 2007 và năm 2009 ước giảm 21%)...
Sẽ có giá thành cho cước di độngNgay sau khi Viettel đề nghị Bộ áp dụng mức giá sàn cho cước di động là 800 đồng/phút năm 2010, dư luận cho rằng đề xuất này nhằm chèn ép các DN nhỏ, DN mới hoạt động và để bảo vệ các "đại gia" (gồm Viettel, Mobifone và Vinaphone)... Những lo ngại này cũng dễ hiểu. Song, có một thực tế và cũng là bài học xương máu từng xảy ra tại không ít thị trường viễn thông trên thế giới, trong đó có cả nước Mỹ. Đó là, hiện tượng đua giảm giá cước khiến doanh thu của các hãng viễn thông cùng giảm, nhà nước cũng bị thiệt hại. Thêm vào đó, tại một số nước, các hãng viễn thông mới nhập cuộc dùng chiêu bài cạnh tranh với mức cước dưới giá thành nhằm thu hút thuê bao, sau khi "đánh gục" các DN lớn, liền quay trở lại bài tăng giá cước... Tại Việt Nam, nguy cơ này có thể xảy ra, nếu như cơ quan quản lý không có biện pháp ngăn chặn.
Vậy, quan điểm của Bộ TT-TT về vấn đề này thế nào? Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, Bộ sẽ không đưa giá sàn theo nghĩa cuối cùng, nhưng nếu xét trên quan điểm nào đó, giá thành mà DN đang cung cấp dịch vụ có thể hiểu chính là giá sàn mà DN không được bán phá giá. Sắp tới Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra quy định riêng với lĩnh vực tính giá cước viễn thông. Khi đó, các nhà mạng kể cả DN chiếm lĩnh thị trường, lẫn DN mới gia nhập không được bán phá giá dưới giá thành theo mức quy định. Tuy nhiên, mỗi nhà cung cấp dịch vụ có quy mô, điều kiện đầu tư, khả năng khai thác dịch vụ, năng lực quản lý khác nhau... Bộ sẽ căn cứ các yếu tố này để có cách tính giá thành với các dịch vụ viễn thông trên cơ sở mặt bằng chung cho các DN và cố gắng ban hành quy định về giá thành trong năm 2010.