(HNMO) – Theo Hiệp hội Bất động sản VN, thị trường BĐS vẫn đang chuyển biến tích cực: lượng giao dịch thành công ốn định (đạt khoảng 18.000 giao dịch trong 6 tháng đầu năm), tồn kho tiếp tục giảm. Riêng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh lượng giao dịch thành công đều tăng gấp 2,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2014.
Đáng chú ý, cùng với đà đi lên của thị trường BĐS, giá căn hộ tiếp tục tăng từ 3-5%. Mức tăng này tập trung tại một số dự án đang chuẩn bị hoàn thành, những dự án có tiến độ nhanh, vị trí đẹp, hạ tầng tốt. Những dự án thuộc phân khúc như căn hộ diện tích nhỏ, có vị trí tốt dễ cho thuê, dự án của các chủ đầu tư uy tín, triển khai đúng tiến độ cũng ghi nhận lượng gia dịch tăng đáng kể cùng với mức tăng giá trở lại.
Theo Savills Việt Nam, trong suốt 2 thập kỷ (1995-2014), chu kỳ biến động tăng giảm của giá căn hộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khá rõ nét... Tại Hà Nội, giá trung bình của căn hộ năm 1995 chỉ khoảng 200 USD/m2, nhưng đến nay mức giá này đã tăng gấp 6 lần, đạt mức khoảng 1.200 USD/m2. Tại TP.HCM vào năm 1995, giá căn hộ khoảng 600 USD/m2, tăng lên cao nhất trên 1.600 USD USD/m2 vào năm 2008 và giảm còn khoảng trên 1.000 USD/m2 ở thời điểm hiện nay...
Giao dịch BĐS tăng mạnh cũng đã đẩy tồn kho BĐS giảm xuống đáng kể còn 67.443 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/5/2015, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 67.443 tỷ đồng; so với thời điểm 20/4/2015 giảm 1.338 tỷ đồng. Trong đó tồn kho căn hộ chung cư 12.908 căn (tương đương 19.799 tỷ đồng), tồn kho nhà thấp tầng 9.066 căn (tương đương 16.130 tỷ đồng), tồn kho đất nền nhà ở 8.378.856 m2 (tương đương 26.969 tỷ đồng), tồn kho đất nền thương mại 1.637.782 m2 (tương đương 4.545 tỷ đồng).
Mặt khác, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai với 11 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,5 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư. Dòng vốn FDI được dự kiến sẽ tiếp tục đổ mạnh vào thị trường BĐS sau ngày 1/7 khi Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, lượng kiều hối và tín dụng từ đầu năm 2015 đến nay đổ vào lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng tăng mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 5/2015, tín dụng BĐS đã tăng 10,89%, tăng nhanh gấp đôi so với tăng trưởng dư nợ chung toàn hệ thống là 5%. Theo đó, tín dụng BĐS tăng được giải thích là do thị trường này có dấu hiệu ấm lên.
Ngoài ra, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đã bước sang năm thứ 3, nhưng tiến độ giải ngân mới trên 25% (theo quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 còn hơn 1 năm nữa). Tính đến ngày 31/5/2015, tổng số tiền cam kết cho vay từ gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với khách hàng là hơn 14.160 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng). Trong đó, số tiền cam kết với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đạt hơn 8.800 tỷ đồng (với 18.000 trường hợp đã được cam kết cho vay); số tiền cam kết với chủ đầu tư dự án gần 5.345 tỷ đồng với 37 dự án đã được cam kết cho vay.
Tuy nhiên, số tiền giải ngân của gói 30.000 tỷ đồng khá chậm. Tổng số tiền đã giải ngân chỉ đạt hơn 7.620 tỷ đồng (đạt 25,4% phụ thuộc tiến độ thi công và hoàn thành các dự án nhà ở mà người dân đã vay để mua, thuê mua). Trong đó, có hơn 17.600 hộ gia đình, cá nhân đã được giải ngân vốn vay với số tiền hơn 5.500 tỷ đồng; 33 dự án đã được giải ngân với số tiền hơn 2.100 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các Ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng hỗ trợ nhà ở thì tại thời điểm 31/5/2015, số vốn vay đã cam kết cho khách hàng tăng 200,4% (14.161 tỷ đồng so với 7.232 tỷ đồng), số hộ gia đình, cá nhân được cho vay vốn tăng 249,7% (18.062 cá nhân so với 7.232 cá nhân) so với thời điểm 31/8/2014; tương tự như vậy so với thời điểm 31/12/2014 tăng 149,5% và 155%, so với thời điểm 28/2/2015 tăng 131% và 128,4%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.