Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giã biệt Minh Hoàng cây bút chống vụ lợi, tham nhũng

Thọ Cao| 22/08/2013 07:05

Nghe tin dữ đến bất ngờ, tôi bàng hoàng đến chảy nước mắt. Thế là lớp chúng tôi, giờ lại mất thêm nhà báo Minh Hoàng - tên khai sinh là Trần Thiện Mỹ - ra đi ở tuổi 84.

Tôi biết ông từ hồi tôi ở Báo Thời Mới, còn ông ở Báo Thủ đô Hà Nội. Tới khi hai báo hợp nhất thành Báo Hànộimới, tôi với ông lại có cái duyên cùng làm việc ở Ban Kinh tế trong những năm tháng chiến tranh và bao cấp đầy khó khăn, gian khổ.


Minh Hoàng là chàng trai Phan Thiết (Bình Thuận) - một thành phố nhỏ ở ven biển cực Nam Trung bộ. Là cán bộ tiền khởi nghĩa, ông sớm tham gia hoạt động bí mật từ tuổi thanh xuân, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và ngay năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, nghe theo tiếng gọi tiền tuyến, ông xếp bút nghiên, xung vào quân ngũ. Giữa chiến trường ác liệt, Minh Hoàng cùng đồng đội vẫn ngoan cường đối mặt với khó khăn, thiếu thốn, cái chết, sự mất mát… bao nhiêu tình huống hiểm nghèo. Từ năm 1949, ông viết cho tờ tin của Trung đoàn chủ lực Liên khu 5. Hai lần ông được giải truyện ngắn "Mẹc, xà lù Bảo Đại" (1952), "Lên ngàn" (1958). Năng khiếu viết báo nảy sinh từ những trang văn ấy.

Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, rồi năm 1961, ông được điều về làm phóng viên Báo Thủ đô Hà Nội, tiền thân của Báo Hànộimới sau này. Ông lần lượt được phân công theo dõi các ngành xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, nhưng lâu nhất là ngành tiểu thủ công nghiệp - tới 25 năm. Trong hồi ức của mình, ông viết: "Để lấp lỗ trống về kiến thức, tôi phải vừa học vừa làm. Tôi đọc nhiều, ghi lại những gì liên quan đến công việc được phân công theo dõi. Rồi học bạn bè, đồng nghiệp, cả trong thực tế cuộc sống". Tác phong xông xáo, năng động, Minh Hoàng bám sát cơ sở, kịp thời biểu dương các nhân tố tích cực, đấu tranh phê phán các biểu hiện tiêu cực trong ngành. Ông viết nhiều về thể loại điều tra - trùng hợp với tính thẳng thắn của ông. Những bài điều tra ông đưa lên báo ngồn ngộn dẫn chứng cụ thể, phân tích sắc bén, phê phán mạnh mẽ, lôi cuốn người xem.

Để trang chuyên đề ra hằng tuần thêm sinh động, Minh Hoàng mở mục "Qua các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp". Đây là tiểu phẩm chuyên đấu tranh với thói vụ lợi, tham nhũng. Nội dung mỗi kỳ chỉ vài trăm từ. Còn bút pháp linh hoạt, khi phê phán nhẹ nhàng, khi sâu cay, hài hước. Tác giả không ngại bất cứ cơ quan, đơn vị nào, cũng không ngại cán bộ có chức, quyền làm điều sai trái với kinh tế tập thể hoặc với thợ thủ công. Hoan nghênh chuyên mục, nhiều xã viên ở các HTX gửi tài liệu tới tác giả, tiếp lửa cho chuyên mục tăng thêm tính chiến đấu. Chuyên mục - cả những bài viết khác - mang nhiều bút danh: Bùi Ngọc, Ngọc Anh, Thiện Xuân… nhưng giới thợ thủ công đều biết đó vẫn là cây bút Minh Hoàng.

Chất anh lính Cụ Hồ trong con người Minh Hoàng còn thể hiện rõ ở tinh thần xông pha dũng cảm, không sợ khó khăn, nguy hiểm. Còn nhớ đêm 18-12-1972, nhận tin máy bay B52 ném bom tàn phá Giang Biên, Yên Viên (Gia Lâm), Uy Nỗ (Đông Anh), Ban biên tập liền cử 4 phóng viên của tổ xung kích, trong đó có Minh Hoàng, lên đường làm nhiệm vụ. Xe Rumani cắm cờ Phòng không, vượt qua bom đạn, đêm tối, lao tới nơi địch đánh phá. Bất chấp hiểm nguy, anh em tỏa đi nắm tình hình. Khi xe trở về tòa soạn, đã 5h30 sáng 19-12. Điện bị cắt. Bên ngọn đèn dầu tỏa khói mù mịt, các ký giả vào việc ngay, người ghi nhanh, người đưa tin chiến thắng. Mãi tới 11h ngày 19-12, số báo hôm đó mới in xong và phát hành muộn nhưng được bạn đọc cổ vũ. Từ ấy, liên tiếp diễn ra rất nhiều trận chiến đấu ác liệt ở khắp nội ngoại thành. Tổ xung kích thay nhau làm nhiệm vụ phóng viên chiến tranh. Mấy lần đi với Minh Hoàng, tôi thấy ông là một cựu chiến binh dũng cảm.

Từ công lao đóng góp cho tờ nhật báo, trong 3 năm (1989-1991) Minh Hoàng được đề bạt Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Kinh tế nhưng vẫn kiêm nhiệm khu vực tiểu thủ công bởi chưa có người thay. Tỏa sáng trên cương vị mới, ông càng hăng hái phát huy tính đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trên lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Năm 1991, Minh Hoàng nghỉ hưu, kết thúc 30 năm viết báo. Nhưng chỉ 6 năm sau, ông mắc bệnh thận và căn bệnh kéo dài đến nay tới 16 năm. Tuần nào ông cũng phải vào Bệnh viện Hữu Nghị ba lần để chạy thận…

Ngoài kia, mưa rơi, lòng tôi thêm trĩu buồn. Nhìn khói hương bảng lảng, tôi ngậm ngùi nhớ về ông, một nhà báo sâu sát cơ sở, một cây bút trung thực, dũng cảm. Tất cả để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc, tấm lòng khâm phục. Ở cõi vĩnh hằng, chắc ông cũng ngậm cười, mãn nguyện.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt cây bút dũng cảm. Từ nay, ông chỉ sống trong cõi nhớ của tôi, ơi Minh Hoàng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giã biệt Minh Hoàng cây bút chống vụ lợi, tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.