Báo cáo kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,81% so với năm 2016. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5 triệu tỷ đồng, theo đó GDP bình quân đầu người ước đạt 53,5 triệu đồng (tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016).
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Mức tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng giai đoạn 2011-2016, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: "điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.”
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34% và dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 10,00% (trong khi cơ cấu tương ứng của năm 2016 là 16,32%; 32,72%; 40,92%; 10,04%).
Dưới góc độ sử dụng GDP trong năm, mức tiêu dùng cuối cùng đã tăng 7,35% so với năm ngoái và đóng góp 5,52 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, tích lũy tài sản cũng tăng 9,8%, đóng góp 3,30 điểm phần trăm. Tuy nhiên, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn trong tình trạng nhập siêu nên làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Khu vực sản xuất công nghiệp liên tục tăng cao vào tháng cuối năm. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12 đã tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm nay đã tăng 9,4% so với năm 2016 (quý 1 tăng 4%, quý 2 tăng 8,2%, quý 3 tăng 9,7%, quý 4 tăng 14,4%) và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016.
Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho toàn ngành (thời điểm 1-12) vẫn tăng 8% so với cùng thời điểm năm trước và là mức tồn kho thấp nhất trong nhiều năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.