Nhiều gia đình ở thành phố đã chuyển sang dùng bếp than vì giá gas tăng chóng mặt trong thời gian qua.
Dùng thêm bếp than
Với lý do Petro Việt Nam ngừng cấp nguồn hàng từ Dung Quất, cộng với tình hình bất ổn trên thế giới khiến các tàu hàng chở dầu không nhập cảng đúng thời gian, các hãng gas đã đồng loạt tăng thêm 14.000 đồng/bình 12k kể từ sáng 26/3. Theo đó, giá bán lẻ gas tới tay người tiêu dùng, tùy loại, sẽ có giá khoảng 340.000 - 380.000 đồng/bình.
Xăng vừa tăng giá, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu cũng đua nhau tăng theo khiến công nhân và người lao động có thu nhập thấp phải gồng mình hứng chịu cơn "bão giá". Giờ giá gas lại tăng, nhiều hộ gia đình trung lưu tại Hà Nội bắt đầu chuyển sang dùng than tổ ong để giảm chi phí đun nấu.
Chị Nguyễn Thị Hòa (Công nhân nhà máy in Viettel, KCN Nam Thăng Long) cho biết, gia đình chị đang sử dụng bếp gas nhưng khi nghe tin gas tăng giá, chị sắm thêm chiếc bếp than để đun nấu thay cho bếp gas. Tất cả các món luộc, rán, nấu, ninh xương chị chuyển sang bếp than tổ ong, chỉ những đồ ăn cần nhiệt lớn như các món xào hoặc có việc gì "cần kíp" thì mới dùng bếp gas.
"Vợ chồng mình lương tháng chả được bao nhiêu, bây giờ gas lại tăng nữa thì phải chuyển sang dùng bếp than thôi. Tiết kiệm được khoản nào hay khoản ấy", chị Hòa nói.
Dùng bếp than để đun nước tắm, hầm xương
Tại các khu ven đô, nơi tập trung nhiều người lao động có thu nhập thấp như Nam Thăng Long, Mai Động, Thanh Trì và đặc biệt là những khu tập thể tập cũ tập trung nhiều đối tượng hưu trí như khu tập thể Nghĩa Tân, khu tập thể Thành Công,..một số hộ gia đình cũng bắt đầu chuyển sang dùng bếp than để đun nấu thay cho bếp gas.
Bà Lê Thị Mai (Khu tập thể Nghĩa Tân) cho biết nhà bà có cháu nhỏ nên thường xuyên phải ninh xương, hầm thịt. Bây giờ giá gas tăng nên bà quyết định sắm thêm chiếc bếp than để dùng lúc cần thiết. "Đằng nào thì tôi cũng ở nhà nên thoải mái nhóm bếp. Xào nấu gì thì dùng bếp gas còn ninh xương, hầm thịt thì dùng bếp than cho đỡ tốn. Nhân tiện đun thêm nước tắm chứ dùng bình nóng lạnh cũng tốn điện lắm", bà Mai nói.
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng chuyên bán bếp than đã nhập thêm các mặt hàng mới, đa dạng chủng loại để người tiêu dùng thoải mái lựa chọn. Theo khảo sát của PV, các loại bếp sản xuất trong nước như bếp Quốc phòng giá 85.000 đồng/bếp và bếp con gà 135.000 đồng/bếp khá được ưa chuộng. Các loại bếp Trung Quốc giá rẻ hơn nhưng nhanh hỏng nên ít người dùng.
Tiết kiệm nhưng hại sức khỏe
Chi phí đun nấu bằng than tổ ong thấp nên mặc những lời cảnh báo nguy hại đến sức khỏe nhiều hộ gia đình vẫn quyết dùng bếp than thay bếp gas hoặc dùng song song với bếp ga.
Bà Lê Thị Mai (Khu tập thể Nghĩa Tân) nhẩm tính: "Mỗi ngày nhà tôi đun hết 2 viên than, mỗi viên 2.000 đồng, một tháng vị chi hết 120 ngàn tiền than. Trong khi đó dùng gas trung bình một tháng rưỡi đổi một bình, thế là hết 230 ngàn một tháng".
Với những người thu nhập thấp, dùng bếp than khi gas tăng giá là một cách để cân đối chi tiêu. Tuy nhiên không phải ai cũng lưu tâm đến những nguy hiểm mà bếp than tổ ong mang lại.
Chị Nhàn (làng Nhân Mỹ, Mỹ Đình) cho biết chị cũng nghe nói đun bếp than tổ ong độc hại, nhưng vì điều kiện kinh tế nên chị vẫn "nhắm mắt" làm liều. Chị chia sẻ: "Đun than thì rẻ nhưng khổ lắm, nhiều khi bị khói xông vào mắt cay xè, nước mắt nước mũi trào ra... Nghe nói bếp than độc hại thật nhưng những căn bệnh này còn lâu mới chết, không có cái ăn mới là vấn đề. Gas đắt thế thì đành chấp nhận vậy chứ biết làm thế nào".
PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc đun các loại than từ trước đến nay đều được cảnh báo là độc hại vì trong than có khí độc CO2. Khi đốt than, nhất là ở giai đoạn nhóm lò, lượng ôxy trong không khí cấp vào lò than không đủ. Bởi vậy cũng như khi ủ than nó thải ra một lượng khí độc rất lớn. Ngoài khí CO2, khi đốt than còn thải ra một số các khí độc khác như SO2, CO.
"Người hít phải khí độc này sẽ gây cảm giác tức ngực, mệt mỏi vì nồng độ oxi trong máu giảm. Trẻ em thường xuyên hít phải mùi than rất dễ bị viêm phổi. Đặc biệt khi đốt than trong phòng kín rất dễ bị suy hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong nếu như hít thở CO2 ở nồng độ quá cao", ông Côn nói.
Ông Côn cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn các loại chất đốt an toàn thay cho than vừa để bảo vệ sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường. Nếu không thể thay thế thì có thể hạn chế sự ảnh hưởng của khói than bằng cách đặt chỗ đun than cách xa nơi mình ở, đun ở chỗ thoáng, dùng tôn có thành cao quây khu vực nấu lại sao cho khói thoát ra chỗ xa.
Dùng bếp than thay cho bếp gas chỉ là giải pháp trước mắt để giảm chi phí sinh hoạt. Bên cạnh chi phí rẻ, việc đun than trong nhà rất dễ dẫn đến ngộ độc, gây cháy nổ khu dân cư và tình trạng ô nhiễm môi trường cũng tăng theo. So sánh mức độ nguy hiểm và số tiền tiết kiệm được từ bếp than, không ít người tiêu dùng vẫn chọn "trung thành" với bếp gas.
"Nhà mình thường khoảng gần 2 tháng hết 1 bình gas với gia đình có 2 vợ chồng, bà và bé," , một bà nội trợ chia sẻ." Thay vì việc tiết kiệm tiền bằng cách phải dùng than thì mình dùng gas 1 cách tiết kiệm và hợp lý. Ví dụ luôn chú ý để lửa gas không bị đỏ, luôn chỉnh lửa vừa bằng đáy nồi, chọn nồi phù hợp với lượng thức ăn và chọn mặt bếp phù hợp (bếp nhà mình có 3 mâm từ to đến nhỏ nhất). Sử dụng các loại nồi áp suất, ủ để giảm thời gian đun. Nấu cháo thì thường mình đun sôi rồi tắt bếp để hạt gạo nở rồi đun tiếp, rất nhanh nhừ. Xương thì mình ninh nhiều rồi chia vào các hộp để khi nấu ăn cho tiện và không phải ninh nhiều lần."
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.