(HNMO) - Biên niên sử Quân chủng Phòng không - Không quân còn ghi đậm chiến công của Trung đoàn 263: Đêm 22-11-1972, hai Tiểu đoàn 43, 44, mỗi tiểu đoàn phóng hai quả đạn, bắn rơi hai máy bay B-52 Mỹ. Trong những ngày kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tôi đã có dịp gặp lại Thượng tá, cựu chiến binh Trần Bá Dương, nguyên trắc thủ phương vị xe điều khiển Tiểu đoàn 44, người trực tiếp tham gia trận đánh đặc biệt này 50 năm trước.
Trần Bá Dương sinh năm 1952, quê ở xã Bạch Đằng (nay là xã Hồng Bạch), huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 1969, ông lên Hà Nội vào học Khoa Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày 24-8-1970, Trần Bá Dương “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ và được phiên chế vào Tiểu đoàn 44, Trung đoàn 263 Tên lửa Phòng không. Trung đoàn được giao nhiệm vụ vào Khu IV “săn” B-52, tìm ra cách đánh, tổng kết kinh nghiệm, trả lời câu hỏi: Tên lửa của ta có bắn rơi được B-52 không?
Là trắc thủ phương vị, với đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh tường của tuổi trẻ, với ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, Trần Bá Dương cùng kíp chiến đấu ra sức rèn luyện trong thực tế chiến đấu với không quân Mỹ.
Từ đầu năm 1972, không quân Mỹ đã tăng cường cải tiến hệ thống điện tử trên B-52, gồm 19 máy phát nhiễu trong đội hình, nhiễu ngoài đội hình, nhiễu tiêu cực (là những bó nhiễu gồm hàng triệu sợi kim loại bắn ra không trung). Những loại nhiễu này làm cho màn hình trắc thủ tên lửa sáng lóa, rất khó nhìn thấy tín hiệu B-52 trong nền nhiễu.
Sau trận dùng B-52 oanh tạc thành phố Hải Phòng ngày 16-4-1972 mà không bị tên lửa của ta bắn hạ, phi công Mỹ càng chủ quan, coi như đã loại trừ được mối nguy hiểm từ tên lửa của quân đội ta. Vì thế, công việc của trắc thủ tên lửa càng khó khăn.
Trần Bá Dương cùng đồng đội đã trải qua những phút giây nghẹt thở khi máy bay địch bay vào mà không xác định được mục tiêu để phát sóng, phóng đạn tiêu diệt. Kíp chiến đấu còn phải đối phó với tên lửa chống ra đa Shrike của địch. Đây là loại tên lửa tự dẫn, nương theo cánh sóng ra đa mặt đất của đối phương mà bay thẳng vào mục tiêu với tốc độ nhanh hơn tốc độ tên lửa của ta.
Nhiệm vụ của hai trắc thủ phương vị và góc tà là cùng sĩ quan điều khiển phân biệt chính xác, thống nhất dải nhiễu B-52 trong nhiều dải nhiễu trên màn hình, vê tay quay thật nhịp nhàng, êm ái để đưa đài điều khiển và bệ phóng về đúng hướng máy bay địch. Trong chiến đấu ác liệt, khẩn trương, khi các loại máy bay chiến thuật của địch có thể bổ nhào cắt bom, phóng tên lửa không đối đất vào trận địa, giữ được bình tĩnh, không nao núng để vê tay quay nhịp nhàng, đòi hỏi ý thức kỷ luật thép, lòng dũng cảm vô song, quyết tâm chiến thắng cao độ.
Trong những đêm 9, 11 và 12-10-1972, hai tiểu đoàn 43 và 44 đã được cấp trên công nhận tiêu diệt 3 máy bay B-52 khi chúng đánh phá khu vực ngã ba Vọt (Hà Tĩnh) và phà Bến Thủy, nhưng không chiếc nào rơi tại chỗ.
Trận đánh hiệp đồng lịch sử đã diễn ra vào đêm 22-11-1972. Cả ngày hôm ấy, buổi sáng chỉ có 2 tốp phản lực A6 của địch đánh phá khu vực ngã ba Truông Bồn và ngã ba Vọt, buổi trưa có 1 tốp trinh sát hoạt động. Bầu trời Nghệ An không còn tiếng bom và tiếng gào rít của máy bay Mỹ. Sự yên tĩnh trước trận cuồng phong.
Đúng như thông báo của Quân chủng từ buổi chiều: “Ðêm nay, có khả năng B-52 đánh phá Nghệ An và Hà Tĩnh”, từ 20h đến khoảng 21h15, máy bay tiêm kích và cường kích Mỹ đánh phá mạnh dần lên. Hai tiểu đoàn của ta vẫn bình tĩnh mở máy thu chờ địch.
21h, chỉ huy các tiểu đoàn báo cáo: “Có nhiễu B-52”. Kíp trắc thủ bình tĩnh kiểm tra tốc độ, góc tà, phương vị của dải nhiễu, phân biệt kỹ dạng nhiễu. Sĩ quan điều khiển phát lệnh phóng giả khi mục tiêu vào gần khu vực phóng. Tưởng tên lửa phát sóng điều khiển thật, tín hiệu dải nhiễu lập tức cơ động, lộ ra là B-52 giả.
Khoảng 21h30, trên bảng tiêu đồ lại xuất hiện tín hiệu B-52. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Chí Hưởng và trắc thủ cự ly Nguyễn Văn Ninh cẩn thận kiểm tra rồi báo cáo Tiểu đoàn phó Phạm Minh Hoàng: “Ðã thống nhất dải nhiễu”. Trần Bá Dương cùng trắc thủ góc tà Đào Quang Cơ lập tức nhẹ nhàng điều khiển tay quay đưa đường tim dọc căn vào chính giữa dải nhiễu, liên tục thông báo phần tử để chiến sĩ tiêu đồ Nguyễn Hữu Môn đi đường bay, xác định tham số và thông báo cự ly mục tiêu.
Ở Tiểu đoàn 43, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Thôi Ba, sĩ quan điều khiển Nguyễn Thanh Tân và các trắc thủ Đỗ Văn Liên, Nguyễn Đức Khiêm, Nguyễn Khắc Đức cũng chọn dải nhiễu rất chính xác, nhanh chóng thao tác chuẩn bị bắn.
Theo dõi đường bay trên tiêu đồ, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Quảng ra lệnh: “Đánh tập trung, tiêu diệt tốp B-52 hướng Tây Nam, cự li 22 đến 25km”.
Mục tiêu vào vùng phóng, sĩ quan điều khiển Nguyễn Chí Hường vừa ấn nút “phóng” vừa hô: “Quả một phóng, phương vị…”. Một tiếng “cạch” nhẹ vang lên. Quả đạn cựa mình rồi phụt lửa lao lên trời. Sáu giây sau, quả đạn thứ hai rời bệ phóng lao đi. Liền ngay sau đó, Tiểu đoàn 43 cũng phóng hai quả. Trên màn hiện sóng, tín hiệu cửa sóng chờ bám chặt tín hiệu đạn, báo hiệu cả 4 quả đạn đều có điều khiển. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Chí Hường theo dõi tín hiệu đạn, hô to: “Ðạn có điều khiển... Nâng cao thế”... "Ðạn bay...10...15... Có mục tiêu... Bám sát mục tiêu... 20... 22...”. Màn hiện sóng chợt lóe lên đốm sáng to khác thường khiến Trần Bá Dương và kíp chiến đấu xe điều khiển vỡ òa sung sướng. Nguyễn Chí Hường hô lớn: “Ðạn nổ... Mục tiêu bị tiêu diệt!”...
Hôm sau, Hãng thông tấn Mỹ UPI đưa tin: “Hai máy bay B-52 đã bị trúng tên lửa Bắc Việt ở gần Vinh đêm 22-11. Một trong hai chiếc đã bị rơi khi cố bay về căn cứ Utapao ở Thái Lan nhưng không được”, kèm theo là bức ảnh xác chiếc B-52 này rơi ngổn ngang trong một khu rừng trên đất Thái Lan. Đây là lần đầu tiên người Mỹ phải thừa nhận B-52 đã bị tên lửa phòng không Việt Nam bắn rơi.
Trận đánh này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chính thức khẳng định, củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng: Tên lửa phòng không Việt Nam có thể bắn hạ được B-52.
Kinh nghiệm của trận đánh lịch sử này đã được đúc kết, bổ sung cho cuốn cẩm nang “Cách đánh B-52” của Quân chủng, được phổ biến đến tất cả các phân đội hỏa lực tên lửa. Một tháng sau, Chiến dịch Linebacker II của Mỹ dùng B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng thất bại với 34 chiếc B-52 bị bắn hạ.
Đầu năm 1974, Trung sĩ Trần Bá Dương được cử đi học lớp Sĩ quan điều khiển tại Trường Sĩ quan Phòng không. Năm 2003, Thượng tá Trưởng phòng Quân huấn Sư đoàn Phòng không 361 Trần Bá Dương về nghỉ chế độ sau hơn 30 năm phục vụ quân đội. Người đàn ông hiền hậu rất kiệm lời ấy sống tại khu tập thể Sư đoàn 361 (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông vẫn giữ quan hệ bền chặt, thân tình với những người đồng đội cũ. Hỏi ông sau trận ấy có được thưởng huân chương không, ông cười: "Khen thưởng đánh B-52 thì có mà khen cả làng!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.