Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp người hai lần bắn rơi máy bay Mỹ

Tùng Lâm| 13/12/2022 19:51

(HNMO) - Ông Dương Bá Kháng, phi công Mig-21 khóa 11 của khóa đào tạo phi công tại Liên Xô từ năm 1966, là người đã 2 lần bắn rơi máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô trong trận “Điện Biên Phủ trên không” những ngày cuối tháng 12-1972.

Ông Dương Bá Kháng tại Văn phòng đại diện Báo Hànộimới ở thành phố Hồ Chí Minh.

“Ngày 27-12-1972, tôi là phi công trực chiến với đồng chí Đỗ Văn Lanh. Cả hai chúng tôi còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi, nhưng những chiến công của đồng đội và lực lượng phòng không cả nước trong chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ đã khích lệ chúng tôi rất nhiều. Cả hai nóng lòng đợi lệnh xuất kích để sẵn sàng tìm đánh địch. Trước đó, ngày 18-12, tôi đã bắn rơi một chiếc máy bay trinh sát không người lái, sau khi đã đuổi nó khắp bầu trời miền Bắc từ Yên Bái đến Thanh Hóa”, ông Dương Bá Kháng mở đầu câu chuyện bằng một mốc thời gian khá cụ thể.

Năm nay, ông Kháng đã 75 tuổi, nhưng vẫn nhớ từng chi tiết của trận đánh lịch sử ấy, bởi theo ông, đó là kỷ niệm không thể quên, được đúc kết từ sự quyết tâm của cậu bé người Huế theo cha tập kết ra Bắc từ năm 1954; từ sự nén nỗi đau mất cha để miệt mài học làm phi công máy bay Mig-21 tại Liên Xô từ năm 1966 đến 1969; từ việc tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát của đồng bào Thủ đô sau những trận ném bom rải thảm từ máy bay B-52 cuối năm 1972 và từ sự hiệp đồng tác chiến, tận tâm chăm sóc, bảo vệ phi công của biết bao nhiêu người dưới mặt đất, để các anh tung cánh bạc giữa trời xanh tìm diệt địch.

“Đêm trước, tôi và anh Lanh tâm sự đến khuya. Sắp bước vào trận đánh, biết ngày mai ra sao, nên chúng tôi nói nhiều chuyện. Sáng 27-12, khi khám sức khỏe để chuẩn bị bay, chúng tôi thoáng lo, bởi không biết thức khuya ảnh hưởng gì đến sức khỏe hôm nay không. Tôi thở phào khi nghe bác sĩ thông báo huyết áp 120/80, nhịp tim 66, đủ sức khỏe để bay. Anh Lanh cũng thế. Chúng tôi yên tâm đi ăn sáng và vào trực chiến”, ông Kháng kể.

Ông Dương Bá Kháng khi là phi công Mig-21.

Sau nhiều lần báo động bay, nhưng không có lệnh cất cánh thì đến 11h30 ngày 27-12, cả hai phi công được lệnh xuất kích. Đêm hôm trước, B52 rải thảm tạo thành 2 dải hố bom gạch chéo nhau, phá hủy hoàn toàn đường cất hạ cánh của sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài bây giờ), nên hai phi công phải cất cánh từ đường lăn (đường nối từ nơi đỗ máy bay ra đường cất hạ cánh).

Ông Kháng nhớ lại: “Đường lăn cũng không còn lành lặn, dính chi chít hố bom. Sau trận bom đêm trước, anh em công binh cố gắng tạo một đường thẳng hẹp xuyên giữa các hố bom, chỉ vừa để cho Mig-21 chạy đà cất cánh. Nếu lạc tay lái chút thôi, máy bay sẽ lọt xuống hố bom. Tôi và anh Lanh đều cất cánh an toàn”.

Biên đội xuyên mây lên đến độ cao 3.000m thì nhận lệnh từ đài chỉ huy hạ xuống độ cao 500m, sẵn sàng chặn đánh địch đang cách đó 16km. Sau vài lần thực hiện lệnh cơ động, cả hai gặp địch: Đó là 2 chiếc F-4 đen trũi bay ngay sát hai ông. Khi địch chưa phát hiện ra máy bay ta, Dương Bá Kháng được lệnh công kích.

Quả tên lửa thứ nhất được phóng đi, trúng 1 chiếc F-4, nhưng nó không rơi ngay mà vẫn cố bay. Tiếp tục cơ động, phi công Dương Bá Kháng đưa chiếc F-4 thứ hai vào khung ngắm và bấm nút. Quả tên lửa không đối không cuối cùng trên chiếc Mig-21 lao đi, hướng đến chiếc F-4. Quầng lửa nổ bùng, bao trùm cả chiếc máy bay địch khiến nó rơi tại chỗ.

“Tôi nhận lệnh hạ cánh trong tiếc nuối, vì máy bay không còn tên lửa. Đài chỉ huy báo có địch bám theo sau, nhưng tôi vẫn bình tĩnh hạ cánh xuống đường lăn đầy hố bom. Về căn cứ, tôi được biết anh Lanh cũng đã hạ cánh an toàn tại sân bay Yên Bái”, ông Kháng nhớ lại.

Bỗng ông chùng xuống, mắt rơm rớm, nói nhẹ: “Trận đó, anh Lanh đã đóng góp rất nhiều vào chiến công của tôi. Anh ấy bay phá đội hình địch và lôi kéo đàn F4 để tôi yên tâm đánh chiếc còn lại. Anh ấy lập nhiều chiến công xuất sắc, được phong danh hiệu Anh hùng. Nhưng người trai Hà Nội tài hoa ấy đã hy sinh trong thời bình trong một chuyến bay huấn luyện khi đất nước đã thống nhất, hòa bình...”.

 Ông Dương Bá Kháng khi chuyển loại thành công sang lái máy bay F5 thu được của địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975.

Câu chuyện của chúng tôi dần sôi nổi trở lại về “thời khắc khó quên ngay sau trận đánh” như lời ông Kháng nói. Đó là sự bất ngờ của người phi công trở về căn cứ khi vừa bắn rơi máy bay địch.

“Ô tô đón tôi từ nơi đỗ máy bay và chạy thẳng về Sở Chỉ huy. Tôi bước vào hội trường và thấy nhiều người ở đó. Trên sân khấu có trang hoàng cờ Tổ quốc, cờ Đảng và ảnh Bác Hồ. Đồng chí Trần Ưng, Chính ủy Trung đoàn Sao Đỏ đến bắt tay tôi, ôm chặt chúc mừng và nói: "Hôm nay là Lễ kết nạp Đảng của đồng chí". Tôi được vinh dự trở thành đảng viên và được nhận Huy hiệu Bác Hồ khi tròn 25 tuổi”, ông Kháng nói.

Tháng 12-2022, ông Dương Bá Kháng lại cùng đồng đội tề tựu tại Hà Nội, ôn lại chuyện xưa và thăm lại những nơi ông từng sống trong suốt quãng đời thanh niên sôi nổi ở Thủ đô từ khi 7 tuổi. Gia đình ông sau đó sống ở khu tập thể ga Yên Viên từ năm 1954 đến sau ngày đất nước thống nhất mới quay về Huế.

Riêng ông, sau bao năm chinh chiến khắp các chiến trường, lái và huấn luyện phi công nhiều loại máy bay của không quân ta tại các sân bay quân sự trên cả nước, đã chọn thành phố Hồ Chí Minh làm nơi an hưởng tuổi già.

“Tôi nhớ Hà Nội, nhưng do bị thương tích nặng sau lần cố gắng hạ cánh chiếc máy bay bị hỏng khi đang bay huấn luyện tại sân bay Biên Hòa năm 1983, mà không chịu nhảy dù theo lệnh chỉ huy, nên mỗi lúc trái gió trở trời, xương khớp lại đau ê ẩm. Sống ở phương Nam nắng ấm quanh năm, tôi đỡ hơn. Nhưng cứ có dịp, tôi lại về Hà Nội. Tối 13-12, tôi có mặt ở Thủ đô để gặp đồng đội xưa, cùng ôn chuyện cũ và tiếp tục sống vui, sống khỏe, sống có ích...", ông Dương Bá Kháng tâm sự. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp người hai lần bắn rơi máy bay Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.