Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp lại cựu danh thủ Văn Sỹ Chi

THUHANG| 24/07/2003 11:07

Lần nữa mãi mới có dịp đi công tác ghé qua Vinh, tôi tìm đến đoàn bóng đá Sông Lam - Nghệ An (SL - NA) để hỏi thăm ông Chi - một huấn luyện viên của các cầu thủ

Lần nữa mãi mới có dịp đi công tác ghé qua Vinh, tôi tìm đến đoàn bóng đá Sông Lam - Nghệ An (SL - NA) để hỏi thăm ông Chi - một huấn luyện viên của các cầu thủ "nhí" xứ Nghệ. Hình như, người dân quê Bác ai cũng biết chuyện về một gia đình cầu thủ với những cái tên như Văn Sỹ Hùng, Sỹ Thủy, Sỹ Sơn, Sỹ Linh đã và đang khoác áo đội SL-NA. "Gen" cầu thủ của gia đình ấy, vốn bắt đầu từ ông bố Văn Sỹ Chi, từng là cựu danh thủ Thể Công, tiền đạo nổi danh miền Bắc cách đây vừa tròn 4 thập kỷ...

Sinh năm 1934 tại xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), năm 10 tuổi, cậu bé Chi đã sớm làm quen với những quả bóng bưởi, quần thảo cùng chúng bạn trên bãi đất bụi mù mịt đầu làng. Năm 24 tuổi, Văn Sỹ Chi tham gia lớp nghĩa vụ quân sự đầu tiên của tỉnh Nghệ An và là llính Sư đoàn 335 đóng quân tại Mộc Châu. Từ đây, tài năng bóng đá trời phú của anh bắt đầu phát triển. Năm 1959, kết thúc Giải bóng đá vô địch toàn quân cùng với những cầu thủ xuất sắc của các đội quân - binh chủng Văn Sĩ Chi được điều về Thể Công (TC). 

Những đồng đội của danh thủ Văn Sỹ Chi ở TC thập kỷ 60 đều có chung nhận xét: ông là người dường như sinh ra để đá bóng! Tuy không to cao nhưng Chi rất khéo léo trong những pha che chắn bóng và xoay xở trong một không gian hẹp. Chàng tiền đạo xứ Nghệ này còn có một khả năng đặc biệt là tiếp thu, lĩnh hội rất nhanh sở trường của đối phương để biến thành "ngón tủ" của mình. 

Tuy nhiên, tài năng và độ nhạy cảm ghi bàn của Văn Sỹ Chi mới là điều đáng nói. Ông là một trong số rất ít những cầu thủ có thể ghi bàn từ mọi cự ly, mọi góc độ và bằng mọi động tác mà bóng đá cho phép. Trên SVĐ Hải Phòng những năm 1960, Văn Sỹ Chi bị kẹp chặt giữa một "rừng" hậu vệ đối phương. Ông bị đốn ngã nằm ngửa trên sân, quả bóng lăn cách chừng 2m. Một thoáng chần chừ, các hậu vệ bạn đinh ninh trọng tài sẽ thổi phạt nhưng không có tiếng còi cất lên. Trong tích tắc, Văn Sỹ Chi "búng" người bật như một con Kănguru (xin lưu ý ông chỉ dùng sức cơ bụng, trong hoàn cảnh chỉ tiếp đất bằng... mông, "bốn vó" đã chổng hết lên trời), nhẹ nhàng tới “gẩy” bóng vào lưới! Sự ổn định về kỹ thuật của ông còn thể hiện ở những pha ghi bàn ngoạn mục được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Đó là "ngón sở trường" đảo người về bên trái, gạt bóng bằng má ngoài chân phải rồi sút vòng cung kiểu quả chuối từ đầu 16m50 bên trái bay vào góc chữ A bên phải cầu môn. Những cú "lá vàng rơi" của Văn Sỹ Chi dường như có "ma thuật", từng nhiều lần khiến các thủ môn đối phương phải "ngậm đắng nuốt cay" mặc dù rất nhiều người biết ông có "ngón tủ" như thế. Thể lực tốt, hai chân sút đều như một,lối chơi tinh quái và nhất là khả năng "đánh hơi" các bàn thắng, cho nên hiệu quả ghi bàn của tiền đạo số 10 này cũng hiếm người có được.

Năm 1962, tại giải vô địch miền Bắc, Văn Sỹ Chi ghi tới 65 bàn thắng - một con số kỷ lục! Trong đời cầu thủ, có những trận một mình Văn Sỹ Chi ghi tới... 10 bàn trong 90 phút thi đấu! Mặc dù vậy, theo ông Ngô Xuân Quýnh - cũng là cựu cầu thủ TC kể lại thì Văn Sỹ Chi lại không phải là người quá "ích kỷ" trong khâu ghi bàn, ngược lại ông luôn tạo điều kiện chuyền bóng cho đồng đội lập công. Những người đá cặp cùng lứa với Văn Sỹ Chi như út, Tiền, Nhi hoặc Nguyễn Bính về sau này đều nhờ ông mà ghi được khá nhiều bàn thắng...

Năm 1971, khi đã 37 tuổi,Văn Chi từ giã TC để về làm HLV kiêm cầu thủ của đội Công an Thanh Hóa, theo yêu cầu của tỉnh này. Ông chơi 4 mùa giải trong màu áo CATH và mặc dù ở tuổi 40, Văn Sỹ Chi vẫn là cây ghi bàn chủ chốt của đội. Không những thế, ông vẫn là một trong những "cầu thủ dội bom" liên tục ở các giải bóng đá miền Bắc những năm sau đó. Văn Sỹ Chi chính thức rời sân cỏ năm 1980, khi đã 47 tuổi. Với 22 năm là cầu thủ, dù tuổi cao nhưng chơi vẫn hiệu quả, ông là một hiện tượng kỳ lạ, hiếm có của bóng đá Việt Nam!

Tâm sự với chúng tôi, ông Chi có nhắc đến 2 kỷ niệm đáng nhớ cách đây đã tròn 40 năm. Đó là vào năm 1963, đội tuyển bóng đá VNDCCH tham dự giải GANEFO châu á tại Indonesia. Trong đội hình lúc đó có các danh thủ như thủ môn Koóng, Trang, Nguyệt; các cầu thủ: Nàm, Lai, Cảnh, Thọ, Long, Văn Chi, Vinh, út ... (riêng TC đã góp mặt 13 cầu thủ). 

Hết hiệp 1, Việt Nam đã dẫn 2 - 0 nhưng đầu hiệp 2, hậu vệ ta phạm lỗi trong vòng cấm để Campuchia rút ngắn tỉ số 1-2 bằng đá phạt đền. Sau đó ít phút, bạn tiếp tục gỡ hòa 2 - 2 dồn ta vào thế bí. Cho đến phút 88 tỉ số vẫn không thay đổi mặc dù các tiền đạo xuất sắc Việt Nam như Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Văn Sỹ Chi, Hoàng Kính Dịp... liên tục bắn phá khung thành đối phương. Phút 89, bất ngờ một hậu vệ Campuchia phá bóng trúng đầu tiền đạo Duy Long. Bóng dội ngược trở lại đúng vào tầm khống chế của Văn Sỹ Chi, cùng lúc một trung vệ dập của bạn nhằm thẳng ống đồng Chi lao tới nhưng trọng tài không thổi. Nhanh như sóc tiền đạo số 10 Việt Nam lắc nhẹ người tránh cú vào bóng ác ý, đồng thời vừa giữ bóng bằng ngực, khéo léo xoay người che bóng và lập tức ngả người tung một cú vô lê cực mạnh. Quả bóng vụt đi như tên lửa, bật xà ngang dội tung lưới Campuchia trước sự ngỡ ngàng của toàn bộ các cầu thủ và khán giả trên sân. Tỷ số cuối cùng Việt Nam thắng Campuchia 3-2, lọt vào VCK.

Ở giải đó đội tuyển VNDCCH đoạt hạng Tư chung cuộc và thật ngẫu nhiên là 34 năm sau, cũng trên SVĐ Senayan (Indonesia), tiền đạo Văn Sỹ Hùng - con trai ông đã ghi 2 bàn thắng trong trận đội tuyển Việt Nam hòa 2 - 2 với đội chủ nhà, giúp Việt Nam đoạt vé vào bán kết và đoạt HCĐ tại SEA Games 19 (1997)!

Kỷ niệm thứ 2 cũng vào năm 1963, khi ấy các đội tuyển bóng đá QG Indonesia, Miến Điện sang thăm và thi đấu tại nước ta. Sau khi ghi bàn trong trận TC thủ hòa 1-1 với Indonesia, Văn Chi nhận được tin bố mất và được cấp trên cho phép về quê chịu tang. Ra ga không kịp tàu, ông đã đạp xe suốt đêm từ Hà Nội về Quỳnh Lưu. Năm đó Nghệ An bị lụt nặng, lũ cuốn trôi đồ đạc, nhà cửa, gia đình ông phải sống trên thuyền và ăn khoai lang chống đói. Lo việc tang lễ xong, hơn một tuần sau Văn Sỹ Chi đáp tàu ra Hà Nội. Tới ga Hàng Cỏ lúc 6 giờ chiều, ông mới biết tin 7 giờ tối TC sẽ đá với đội tuyển Miến Điện (ĐKVĐ SEAP Games và là một trong những đội mạnh của Châu Á bấy giờ), bèn lập tức vào đoàn.

Văn Sỹ Chi có mặt trong đội hình chính thức ngay từ đầu. Phút thứ 15, chàng tiền đạo số 10 đeo lon Thượng sỹ, trước đó không hề tập luyện trong suốt một tuần lễ và chỉ trường kỳ xơi... khoai lang đã sút tung lưới Miến Điện, đưa TC dẫn trước 1-0! Sau khi ghi bàn, Văn Sỹ Chi được thay ra và phải mãi đến phút cuối cùng của hiệp 2, đội bạn mới gỡ hòa 1-1. Tan trận đấu, khán giả Hà Nội đứng đợi Văn Sỹ Chi ở cổng SVĐ. Họ vây chặt, ôm hôn, bế bổng ông tung lên trời...

Những tố chất tuyệt vời, thậm chí đến mức khó tin của Văn Sỹ Chi được ông rút gọn chỉ bằng cụm từ: nhờ khổ luyện mà có. Người ta thường nói ông có 2 cổ chân rất khéo (thi kiện tướng yêu cầu chân phải sút bóng 10 quả vào 6, chân trái sút 10 vào 5, Văn Sỹ Chi luôn đạt 10/10 cả... hai chân!). Người ta cũng kể rằng nếu đã ở vị trí ấy, góc độ ấy một khi Văn Chi sút là sẽ trúng đích mười quả như mười.

Sự khổ luyện ở ông là các bài tập riêng, ví như sút bóng bật tường đích 500 quả bằng cả 2 chân liên tục. Tập sút phạt 11m, ông dựng một viên gạch bên trong khung thành, cách cột gôn chừng 40m, để bóng ở chấm phạt đền và sút bóng lọt qua khe hở viên gạch (bề rộng của quả bóng đã là 30 cm). "Tôi đã tập đến độ sút hàng chục quả lọt qua khe nhưng viên gạch không bao giờ đổ, thế nên quả 11m cả đời tôi có bao giờ biết đá ra ngoài" - ông hào hứng kể. 

Dường như cảm thấy mình hơi sa đà lý thuyết, ông Chi bèn tháo mũ, cầm bóng và bắt đầu các động tác kỹ thuật thị phạm cho những học trò lứa tuổi cháu chắt (ông Chi hiện là HLV đội U10 của Trường Năng khiếu bóng đá SLNA). Đám trẻ và cả phụ huynh của chúng đều háo hức dõi theo từng pha dốc bóng, đảo người, lắc đầu, sút cầu môn... ông thực hiện vẫn còn khá đậm chất kỹ thuật, tinh tế, mẫu mực. Dường như vào cái tuổi ngót 70, ông vẫn chưa thực sự rời xa sân cỏ...

Việt Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp lại cựu danh thủ Văn Sỹ Chi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.