(HNM) - Có lẽ, phải một lần lên xã Ba Vì (huyện Ba Vì) mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, cơ cực của đồng bào người Dao ở Thủ đô.
Tháng 6, mùa mưa bão bước vào "chính vụ". Ấy vậy mà đến thôn Hợp Nhất (xã Ba Vì) vẫn thấy những tảng đá hộc to tướng nằm chềnh ềnh giữa đường đi lối lại, chon von bên sườn đồi và ngay kề cận nhà dân. Giao thông ở Hợp Nhất hầu hết là đường rừng lại bị cắt ngang, xẻ dọc bởi sông suối, chưa kể những rãnh nước khoét sâu xuống nền đường - dấu vết sau mỗi trận mưa lớn, nước từ trên núi cao đổ xuống.
Đường giao thông ở bản Hợp Nhất, xã Ba Vì. Ảnh: Đỗ Chí |
Chạy xe máy đến được nhà Già làng Dương Đức Tiến ở bản Hợp Nhất đã gần trưa. Nằm ngay bên vệ đường, căn nhà tuềnh toàng, cũ kỹ như bao căn nhà khác. Trò chuyện với Già làng, mới hay ông đã nhiều lần xuống Thủ đô và vinh dự nhất là đợt đi hội nghị biểu dương già làng, trưởng bản: "Tôi đi dự hội nghị điển hình tiên tiến ở dưới Thủ đô về mới thấy đồng bào mình nghèo quá. Nhất là đường đi lối lại thì khác một trời một vực. Nắng ráo như hôm nay còn chạy xe máy được. Gặp ngày mưa bão các anh phải bỏ xe lội bộ. Chúng tôi ở đây ai cũng sắm sẵn một đôi ủng để đi mỗi khi trời mưa". Trầm ngâm một hồi, ông Tiến nói tiếp với vẻ buồn buồn: "Bản Dao Hợp Nhất có 122 hộ thì đến gần 70 hộ nghèo. Ăn chưa đủ nói gì đến chuyện làm đường, chỉ trông cậy vào Nhà nước thôi. Nghe nói cấp trên đã duyệt dự án, đã ký kết nhưng đợi mãi chưa thấy triển khai".
Trên đường quay lại UBND xã, chúng tôi ghé qua nhà anh Dương Trung Thủy. Nhìn bề ngoài ngỡ đây là một căn chòi trông ruộng vườn, nhưng vào bên trong mới vỡ lẽ "căn chòi" là nơi ăn ở của đôi vợ chồng trẻ và hai đứa con thơ. Rộng chưa đầy 20m2, vách đất đơn sơ, đồ đạc không có gì đáng giá. Anh Thủy cho biết gia đình đã sinh sống ở đây được 8 năm và hiện chưa có kế hoạch xây nhà mới vì kinh tế rất khó khăn. Từ trong "căn hộ" của anh Thủy, phóng tầm mắt ra xa là những vạt rừng, những cung đường khúc khuỷu như những dải lụa mềm mại giữa ngút ngàn màu xanh. Một vẻ đẹp nao lòng hiếm thấy với người ở xa mới đến, nhưng với anh Thủy, với những người Dao Ba Vì, họ không mấy quan tâm, mà điều mong mỏi, đợi chờ nhất chính là những con đường khang trang để mở ra hướng phát triển kinh tế ổn định, bền vững.
Bao giờ "thoát" kỷ lục xã nghèo?
Đường sá ở xã Ba Vì là một nỗi ám ảnh với người dân. Dân số không nhiều (khoảng 2.000 người) nhưng diện tích rộng, toàn là đồi núi, giao thông cách trở. Chủ tịch UBND xã Dương Trung Liên cho biết, nơi gần như bản Hợp Nhất cũng cách trung tâm xã 3-4km, bản Yên Sơn xa đến 11-12km. "Hai vấn đề lớn nhất và cũng là băn khoăn bấy lâu của người Dao Ba Vì là đất sản xuất thiếu trầm trọng và hệ thống giao thông vẫn là đường đất". Toàn xã có khoảng 16-17km đường giao thông nhưng mới chỉ có 2km đường liên xã đã được cứng hóa, còn lại là đường mòn hình thành từ xa xưa. Do xã nằm sâu trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Ba Vì nên mỗi khẩu chỉ được khoảng 60m2 đất nông nghiệp, còn lại chủ yếu là vườn đồi. Có 18ha đất trồng lúa 2 vụ nhưng thu hoạch bấp bênh vì hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện. Những hạn chế này khiến đời sống của đại bộ phận người Dao Ba Vì rất khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 6,7 triệu đồng/năm; cả xã có 457 hộ thì đến 223 hộ nghèo, chiếm gần 49%, một kỷ lục ở Thủ đô Hà Nội! Đáng nói, theo lời Chủ tịch xã Dương Trung Liên, Ba Vì vẫn còn đến 30 hộ đặc biệt khó khăn và được coi như là hộ đói. "Những gia đình này nằm trong diện không có việc làm, neo đơn, thiếu nhân lực, khó xoay xở làm kinh tế" - ông Liên nói. Để xua tan cái nghèo đói, người Dao hằng ngày phải lặn lội lên rừng lấy thuốc Nam. Họ chắt chiu từng tấc đất trồng cây thuốc, trồng dong riềng, trồng sắn, trồng chè, trồng tre, bương và phối hợp với Vườn quốc gia Ba Vì phát triển lâm nghiệp.
Lúc chia tay thôn Hợp Nhất, Già làng Dương Đức Tiến bộc bạch nỗi niềm: "Trước đây, chúng tôi ở trên cao. Chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước xuống núi để ổn định cuộc sống, nhưng đến giờ chúng tôi chỉ mới thực hiện được mong ước định cư, chứ chưa được định canh". Chia sẻ của ông Tiến càng làm chúng tôi thêm đồng cảm với cuộc sống còn bộn bề lo toan của người Dao Ba Vì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.