Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp cậu bé 11 tuổi lập 2 kỷ lục Việt Nam

Theo Dân trí| 27/03/2012 15:59

Một ngày của bé Đỗ Nhật Nam - người lập 2 kỷ lục Việt Nam- được lên lịch “chuẩn” từng phút.

Đỗ Nhật Nam cùng bố mẹ trong ngày lập thêm kỷ lục người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất Việt Nam

Nhưng việc học và làm việc không lấy đi của cậu học trò trường tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội) những giờ phút trò chuyện cùng bố mẹ hay vui chơi, tập thể thao.

Ước mơ thành… mật mã viên

Sau khi được trao kỷ lục dịch giả nhỏ tuổi nhất khi 7 tuổi, Đỗ Nhật Nam (SN 2001) lại vừa lập kỷ lục là người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam cho cuốn sách “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”. Những tưởng việc học và công việc hiệu quả, cậu bé này sẽ "không có thời gian để thở” nhưng thật bất ngờ vì thời gian biểu một ngày của Nam lại rất nhẹ nhàng.

Ngoài việc học ở trường, mỗi ngày Nam đều ưu tiên hai việc là trò chuyện cùng bố mẹ và chơi thể thao. Cậu chơi thể thao cả sáng lần chiều, thích nhất là môn cầu lông. Buổi tối, Nam kết thúc việc học trước lúc 9 giờ và sau đó có khoảng 1 giờ đồng hồ trò chuyện cùng bố mẹ trước khi đi ngủ.

Cũng như bao đứa trẻ khác, ước mơ của Nam thay đổi xoành xoạch. Năm 6 tuổi, cậu mong muốn làm... Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề lớn của thế giới thì năm 9 tuổi, Nam lại muốn trở thành nhà sinh vật học. Hiện tại, Nam tiết lộ: “Em muốn trở thành mật mã viên”.

11 tuổi với những thành tích “khủng” nhưng người đối diện luôn cảm nhận được trong vẻ tự tin của Nam là sự khiêm nhường đến lạ. Bây giờ, em đi đến đâu cũng có rất nhiều người xin chữ ký nhưng Nam không cho rằng vì mình nổi tiếng mà hy vọng là do mọi người thật sự yêu quý mình. “Ai trong mỗi chúng ta cũng có một sự nổi tiếng nào đó. Sự nổi tiếng mà em hướng tới là con đường học thuật", Nam nhấn mạnh.

Khi có người hỏi, Nam thích làm gà rừng hay gà nhà, Nam trả lời mình thích làm gà rừng với lý lẽ: “Làm gà nhà có thể được rất nhiều thức ăn ngon nhưng phải sống trong cảnh tù túng, mất tự do. Còn gà rừng có thể vất vả hơn để kiếm sống nhưng lại được tự do để phát huy tối đa sáng tạo, ý tưởng của mình".

Bố dạy con 3T

Anh Đỗ Xuân Thảo, bố Nhật Nam chia sẻ, với vai trò làm bố, anh dạy con trai 3 chữ T gồm tự lập, tự tin và tự trọng. Những việc chăm sóc bản thân, các sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ không làm thay mà để con tự làm nên dần dần thành sự tự giác, không bao giờ phải nhắc nhở. Có chăng chỉ phải nhắc khi con say đọc sách hay say học quên giờ giấc.

Để Nam tự tin hơn trước những buổi thuyết trình, ở nhà bố mẹ thường vào vai… khán giả để góp ý, chỉnh sửa. Nam đánh giá, hai “khán giả tại gia” của mình rất trung tính, không quá khắt khe nhưng cũng không xuề xòa. Tuy nhiên, nhiều khi cả hai bên cũng diễn ra những cuộc tranh luận khá cam go nhưng rất bổ ích.

“Lúc này tiếng Anh của Nam đã vượt bố mẹ, mình không dạy Ngoại ngữ cho cháu được nữa nhưng cho con thấy rằng, bố mẹ dạy lối sống. Để làm được điều đó, không cách nào hiệu quả hơn là bố mẹ phải làm gương”, anh Đỗ Xuân Thảo nhấn mạnh.

Tự hào vì con sống tình cảm

Với chị Phan Thị Hồ Điệp, mẹ của bé Đỗ Nhật Nam, niềm vui chị được cảm nhận hàng ngày là thấy được tình cảm của con dành cho mình và cho mọi người xung quanh.

Năm Nam hơn 2 tuổi, khi còn ở bên Nhật, có lần chị hỏi con cái rốn để làm gì, cháu bì bõm trả lời: “Cái rốn để nhắc con sinh ra trong bụng mẹ, là sợi dây kết nối tình cảm mẹ và con”.

Chị Điệp kể rằng, vào ngày đông, ngày nào cũng vậy, mỗi khi Nam tắm xong, đến lượt chị vào nhà tắm thì luôn nhìn thấy trên chiếc gương bị mờ vì hơi nước nóng hiện ra dòng chữ: “Con yêu mẹ!” cùng hình trái tim, cái hôn chụt chụt ngộ nghĩnh của con làm chị xúc động vô cùng.

Ngoài ra, Nam sống rất tình cảm với ông bà, người thân, bạn bè. Em biết tự lòng chia sẻ với những người kém may mắn. “Những tình cảm đó là điều tôi tự hào về con hơn bất cứ thành tích nào của cháu”, người mẹ bày tỏ hạnh phúc lớn nhất của mình về cậu con trai "kỷ lục gia".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp cậu bé 11 tuổi lập 2 kỷ lục Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.