(HNM) - Séng Cù là loại gạo tẻ đặc sản, được đồng bào người Thái, Nùng, Dao, H’Mông trồng nhiều ở các tỉnh vùng Tây Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên... Séng Cù được canh tác trong điều kiện thời tiết mát mẻ, ngày nắng ít, đêm sương nhiều, nguồn tưới chính là từ nước khe suối và sương đêm.
Hằng năm bà con gieo trồng 2 vụ lúa Séng Cù, cho thu hoạch vào tháng 5, tháng 6 và vào cuối tháng 10. Năng suất lúa Séng Cù đạt trung bình 40-50 tạ/ha.
Lúa Séng Cù vỏ dày nên ít sâu mọt hơn các loại gạo tẻ thường. Trước kia, người dân thu hoạch và phơi lúa Séng Cù theo lối thủ công trong điều kiện ít nắng khiến thời gian bảo quản ngắn. Những năm gần đây, người dân chuyển sang canh tác tập trung, bón phân vi sinh, xay xát và sấy bằng hệ thống hiện đại, có thể kéo dài thời gian bảo quản lúa Séng Cù.
Hạt gạo Séng Cù dài, cứng hơn gạo tẻ thường, mùi thơm nhẹ chứ không như các loại gạo tẻ thơm khác. Cơm Séng Cù lại rất dẻo, mềm, để nguội vẫn thơm, không cứng. Khi nấu cơm, cho lượng nước bằng số bát gạo và thêm một nửa bát, đồng thời không mở vung đến khi cơm sôi khoảng 15 phút nhằm giữ lượng Vitamin B1 trong gạo Séng Cù, loại vitamin được đánh giá cao gấp 4 lần gạo tẻ thường.
Để chọn đúng gạo Séng Cù của vùng Tây Bắc, người tiêu dùng nên mua tại các siêu thị, trang thương mại điện tử và cửa hàng gạo có uy tín.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.