(HNM) - Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ lợi nhuận trong từng khâu và các bên liên kết cùng đồng hành không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, doanh nghiệp mà còn khắc phục được tình trạng thừa - thiếu nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tới giá cả thị trường. Đây là hướng đi hiệu quả, nhằm đa dạng hóa thị trường nông sản, bảo đảm lợi ích nông dân.
Tổ chức lại sản xuất
Theo Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Huyền, hợp tác xã đang triển khai mô hình sản xuất gắn với kinh doanh, với diện tích 35ha trồng rau an toàn. Để không bị rơi vào tình trạng dư thừa sản phẩm, ngoài đơn đặt hàng đã ký, hợp tác xã đã tham khảo thị trường, lên kế hoạch sản xuất phù hợp, trung bình mỗi ngày cung cấp 6-10 tấn rau, củ cho các công ty, trường học, chung cư, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội đã tổ chức lại sản xuất, hình thành 35 vùng lúa hàng hóa, 104 vùng rau an toàn, 56 vùng trồng cây ăn quả, 48 vùng chăn nuôi lợn, 60 vùng chăn nuôi gia cầm... Để không xảy ra tình trạng thừa - thiếu nguồn cung sản phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương phân tích, dự báo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, từ đó định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp, làm căn cứ triển khai thực hiện.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có, toàn tỉnh có 136.604ha cây trồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; 142 trang trại chăn nuôi gắn kết với các công ty để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Gia Lai có 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nên không chỉ đủ lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.
Xác định nhiệm vụ quan trọng của sản xuất nông nghiệp là gắn với thị trường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương theo dõi sát biến động thị trường, tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt là nông sản chính vụ, như: Nhãn, na, sầu riêng, xoài, thanh long...; đồng thời định hướng cho nông dân sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, bảo đảm lợi ích cho người nông dân.
Đa dạng hóa thị trường
Ngành Nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu ổn định, trong khi đó thị trường đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã cũng như nông dân chưa có nhiều kiến thức về thị trường, sản xuất theo phong trào, có lúc thừa nguồn cung trong khi công tác xúc tiến thương mại ở các địa phương còn yếu...
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, theo Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng, các địa phương cần quy hoạch lại vùng sản xuất gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; hỗ trợ hợp tác xã, người dân liên kết với doanh nghiệp để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về quản lý thị trường cho nông dân, hợp tác xã... qua đó định hướng sản xuất, tập trung vào những mặt hàng doanh nghiệp cần và bảo đảm an toàn thực phẩm.
Về phía địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, thành phố đã tăng cường chỉ đạo sản xuất gắn với thị trường; trong lĩnh vực trồng trọt, tập trung tuyên truyền để nông dân thực hiện trồng rải vụ đối với cây rau màu nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ; mở rộng diện tích các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định, như dưa chuột bao tử, bí xanh, bí ngô, khoai tây... Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ nhân rộng mô hình chuỗi giá trị liên kết sản xuất, bảo đảm nguồn hàng ổn định cho các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, trước mắt, các tỉnh, thành phố cần lập danh sách các hợp tác xã, đầu mối thu mua nông sản uy tín, cung cấp cho doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ. Về lâu dài, các địa phương cần hỗ trợ người dân về quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của hệ thống bán lẻ hiện đại kết hợp với ngành công nghiệp chế biến nhằm đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, giảm thiểu rủi ro.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; đồng thời chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến và thị trường. Mặt khác, Bộ NN&PTNT chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, đánh giá cơ hội và thách thức; tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông sản trên thế giới, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.