Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần 40% diện tích miền Tây có thể bị ngập

Theo Việt Tường/Zing| 14/07/2016 10:03

Một trong những kịch bản về biến đổi khí hậu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, đến cuối thế kỷ 21, nước biển có thể dâng từ 48-106 cm, khiến miền Tây ngập gần 40% diện tích.


Chiều 13/7, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo "Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và dân sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long". Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Diễn đàn hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – MDEC 2016, đang diễn ra tại Hậu Giang.

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, 3 năm qua, do tác động của El Nino nên mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm miền Tây. Từ đầu năm 2015, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn nên mặn trên sông đến sớm hơn gần hai tháng so với cùng kỳ. Xâm nhập mặn được cho là sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90 km.

Hạn và xâm nhập mặn khiến 10/13 tỉnh, thành ở miền Tây bị ảnh hưởng trong mùa khô 2015-2016. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng.


Một trong những kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21, nhấn chìm gần 40% diện tích đất ở miền Tây. Ảnh: Việt Tường.


Theo ngành nông nghiệp, diện tích lúa của toàn vùng bị ảnh hưởng vì hạn, mặn gần 350.000 ha. Cục Trồng trọt xác định, vụ lúa đông xuân vừa qua, tổng sản lượng lúa ở Nam bộ đạt gần 11 triệu tấn, giảm trên 700 nghìn tấn, trong đó miền Tây giảm 692.957 tấn vì hạn, mặn.

Các nhà khoa học cho rằng, hạn và mặn gay gắt trong lịch sử gần 100 năm là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điều này tác động trực tiếp đến các hệ sinh thái thủy vực, nguồn lợi hải sản và nghề cá. Sự biến động các yếu tố đó sẽ tác động đến các loài thủy sản nuôi và nếu chúng vượt quá ngưỡng thích nghi sẽ gây ra những biến đổi khó lường với các loài nuôi trồng thủy sản. Dự báo ngành thủy sản sẽ bị thiệt hại khoảng 25 tỷ USD vào năm 2030.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đưa ra các kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu ở miền Tây. Với kịch bản đường phân bố nồng độ khí nhà kính đại diện (Representative Concentration Pathways – RCP) RCP 4.5 thì đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng từ 1,7-1,9 độ C, mưa tăng 5-10%, nước biển dâng 32-78 cm. Với kịch bản RCP 8.5 thì các con số tương ứng là 3-3,5 độ C, 20% và 48-106 cm. Nếu nước biển dâng 100 cm có thể làm miền Tây ngập 38,9% diện tích và 35% dân số bị ảnh hưởng.

Đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, nguồn nước dưới đất ở miền Tây có đặc điểm phân bố rất phức tạp, đặc biệt là sự phân bố mặn - nhạt trong các tầng chứa nước. Đa phần nước dưới đất trong các tầng chứa nước là nước mặn, còn nước nhạt chỉ tồn tại trong các tầng chứa nước dưới dạng các “thấu kính” được bao quanh bởi nước mặn.

Theo số liệu quan trắc từ năm 1995 đến nay, tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong các tầng chứa nước ở miền Tây trong khoảng 0,15 - 0,4 m/năm (tùy tầng chứa nước và tùy theo từng khu vực). Những nơi có tốc độ hạ thấp mực nước lớn là tại các khu vực khai thác nhiều nước dưới đất như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh…

Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, để giải quyết các vấn đề thách thức hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long là gấp rút thực hiện một cách đồng bộ thông qua việc tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong.

Tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, kết hợp từ kết quả này để xây dựng các công trình khai thác nước ngầm nhằm sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.

Các ngành chức năng cũng cần thành lập Ủy ban lưu vực sông Cửu Long để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Việc này cũng giúp cho miền Tây phòng, chống tác hại do nước gây ra trên đồng bằng nhằm giải quyết hài hòa, có hiệu quả, bền vững các vấn đề về tài nguyên nước giữa các bên liên quan, giữa thượng lưu, hạ lưu và giữa khai thác với bảo vệ.

Ông Nguyễn Trọng Uyên (Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam) cho biết, ngoài các giải pháp trước mắt, ngành chức năng cần thực hiện các giải pháp lâu dài bền vững. Cụ thể là trồng rừng ngập mặn ven biển và bảo vệ các khu vườn quốc gia tại miền Tây; trồng cây chắn sóng đối với các khu vực đê bao chống lũ triệt để ở các khu vực ngập lũ.

Nghiên cứu, đánh giá tổng thể diễn biến sạt lở bờ hệ thống sông Tiền, sông Hậu trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng để đề xuất phương án bảo vệ các thành phố, thị xã, khu vực dân cư tập trung cũng là giải pháp lâu dài.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân thì nói rằng, đồng bằng sông Cửu Long cần phải có các giải pháp đồng bộ, không chỉ trong nước mà còn cho cả 6 quốc gia có chung dòng sông Mekong. Vùng này cần theo dõi sát các diễn biến phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu, để có thể chủ động trong việc ứng phó.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, thời gian qua chúng ta đã sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Về lâu dài, nếu tình hình trên vẫn tiếp diễn sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy khó lường. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, sinh kế gắn liền với các khu rừng này.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vào lĩnh vực tập trung nạo vét các kênh thủy lợi, phát huy lợi thế vùng nước lợ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiết kiệm nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng này cũng cần huy động nguồn lực, trí tuệ, tâm huyết đóng góp từ lực lượng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong trong và ngoài nước để tăng cường tính hiệu quả trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gần 40% diện tích miền Tây có thể bị ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.