(HNM) - Là người có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm về ngành Y, ông Đặng Cát, sinh năm 1936, ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, đã tự nguyện khám, chữa bệnh miễn phí cho người bệnh ở TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Đặng Cát thăm khám cho bệnh nhân. |
Người thầy thuốc bình dị
Trong một ngày đầu tháng 9, tôi tìm gặp ông Đặng Cát tại căn nhà nhỏ ở cuối ngách 416/22 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Mở đầu câu chuyện, người bác sĩ cao tuổi nhưng vẫn minh mẫn, niềm nở: “Tôi ở nhà chỉ có ba việc thôi: Nấu cơm, bơm nước và khám bệnh”. Thấy tôi thắc mắc, ông giải thích rõ hơn, bơm nước là để tránh ngập, vì sân và nhà thấp hơn nhiều so với nền đường bên ngoài. Điều kiện chỗ ở còn khó khăn như vậy, nhưng gần 30 năm qua, ông Cát khám, chữa bệnh cho mọi người mà không nhận thù lao. Đồ đạc trong căn phòng nhỏ của ông cũng rất đơn sơ. Một vài bức tranh trên tường và tủ đựng thuốc... đều là những vật dụng do những người đã được ông chữa khỏi bệnh mang đến cảm tạ. Niềm vui tuổi già của ông là chữa bệnh cứu người và nghe những làn điệu quan họ mỗi khi rảnh rỗi.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề y tại tỉnh Nam Định, năm 1952, ông Đặng Cát nhập ngũ, được phân công làm y tá cho Đội Điều trị 2 của Cục Quân y, phục vụ ở nhiều chiến trường. Năm 1954, ông tham gia đoàn quân tiếp quản Thủ đô. Những năm sau đó, ông lại tiếp tục tham gia kháng chiến, được đơn vị cử đi học và trở thành bác sĩ quân y. Là người chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, trong thời gian công tác tại vùng đất Sơn La, ông đã tìm ra nhiều bài thuốc Nam kết hợp với Tây y trong điều trị bệnh. Không chỉ am tường chuyên môn ngành Y, ông Cát còn giỏi kiến thức toán học, văn học. Ông chia sẻ, kiến thức các ngành học đều bổ trợ lẫn nhau nên suốt thời tuổi trẻ, ông đều tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi và học có phương pháp nên nhớ nhanh và nhớ lâu.
Một điều đặc biệt ở ông Cát là dù đã hơn 80 tuổi, trải qua bao biến động của cuộc đời nhưng ông luôn giữ được nguyên tắc của riêng mình: Không hút thuốc lá; không uống bia, rượu và không sử dụng điện thoại. Ba người con của ông giờ đã thành đạt, lập gia đình riêng, thường đưa các cháu về chơi với ông bà chứ không “thăm” qua điện thoại. Người bệnh ở xa đau yếu quá không đi được thì ông Cát tự đạp xe đến khám, tuyệt đối không tư vấn qua điện thoại. Dù rằng, để điều khiển xe đường xa cũng có phần khó khăn, vì ông là thương binh hạng 4/4, phần bắp cánh tay trái phải dùng nẹp vĩnh viễn, thường đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Qua câu chuyện của ông, tôi được biết điểm rất riêng nữa là ông Cát khám không bao giờ ghi vào sổ sách và thường nhớ bệnh của bệnh nhân chứ không nhớ tên của họ. Người cựu bác sĩ quân y cho biết: Tôi chỉ nhớ tên những trường hợp “đặc biệt”, tức là họ bị bệnh nặng, đã chạy chữa nhiều nơi không khỏi hoặc đang “thập tử nhất sinh”...
Chữa bệnh bằng tâm thiện
Cuộc trò chuyện giữa tôi và ông Đặng Cát bị gián đoạn khi có hai người khách đến. Người bác sĩ già đón tiếp thân thiện và giới thiệu ngay với tôi: “Bà đây ở Cống Vị, bị u thanh quản. Đây là con trai đưa bà đến”. Lời giới thiệu nhanh gọn của ông đã xua tan suy nghĩ tôi đang băn khoăn về việc ông khám mà không ghi chép vào sổ sách để theo dõi tình trạng bệnh. Sau khi ân cần hỏi han, thăm khám cho bệnh nhân, ông Cát trò chuyện thân tình rồi kê đơn thuốc. Bà khách tên là Trương Thị Phào, 80 tuổi, ở phường Cống Vị, quận Ba Đình nói với tôi: “Tôi bị u thanh quản 2 năm nay, đi chữa ở 4 bệnh viện rồi nhưng không nơi nào chỉ định mổ vì tuổi đã cao. Cứ một thời gian u lại to lên, chèn ép rất đau, ảnh hưởng việc nói và ăn uống. Từ khi được bác sĩ Cát điều trị 2 đợt, mỗi đợt 10 ngày, tôi thấy đỡ đau hơn, khối u cũng chưa thấy to trở lại”.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều người đã được ông Đặng Cát khám, chữa và bệnh đã tiến triển rõ rệt. Bệnh nhân của ông đến từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Họ tìm đến ông vì mắc nhiều bệnh khác nhau như: Xuất hiện u ở đầu, ở cổ, ở ngực; ung thư phế quản; ung thư đại tràng, thiểu năng tuần hoàn não, hẹp van tim, nấm… Điều khiến vị bác sĩ tốt bụng trăn trở là bệnh nhân ở các tỉnh xa về Hà Nội thường phải thuê nhà trọ khoảng 400 nghìn đồng/ngày, tính ra mỗi đợt điều trị 10 ngày thì tiền thuê nhà tốn hơn tiền thuốc. Do đó, với chuyên môn y khoa sâu rộng và kinh nghiệm tích lũy, khi kê thuốc cho bệnh nhân, ông Cát cân nhắc để có phương án vừa thuận tiện, vừa đỡ tốn kém nhất cho họ. Đã có rất nhiều trường hợp từng bi quan, chán nản về tình trạng bệnh tật, nhưng sau khi được ông Cát khám và điều trị, sức khỏe đã hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều gia đình coi ông như ân nhân nên thỉnh thoảng vẫn qua lại thăm hỏi. Nhắc đến việc này, ông Cát cười hiền hậu: Tôi không nhớ hết mọi người đâu, nhưng khi họ quay lại, thấy họ khỏe mạnh là tôi vui rồi!
Nếu như những năm trước, ông Cát vẫn thường trực tiếp đến nhà bệnh nhân để thăm khám thì khoảng 4 năm nay, ông gần như không đi nữa. Một phần do tuổi cao, một phần vì ông nghĩ: “Mình đến nhà thì chỉ khám được một người, còn ở nhà thì khám được nhiều người hơn”. Bệnh nhân đến nhà nhờ ông khám vẫn đông và niềm vui của ông là giữ gìn được sức khỏe cho mọi người. Việc làm thầm lặng, ý nghĩa của ông Đặng Cát qua nhiều năm tháng đã được nhân dân và chính quyền các cấp ghi nhận. Ông được Quận ủy Tây Hồ tôn vinh, khen thưởng về thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (năm 2009); được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt tiêu biểu” (năm 2013); là một trong 124 gương điển hình tiên tiến tại Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014)…
Tiễn tôi ra cửa, ông lại nhắc: “Con người là vốn quý của xã hội. Sức khỏe là vốn quý của con người. Khi mọi người có sức khỏe thì gia đình họ sẽ vui vẻ, học tập và công tác tốt, góp phần xây dựng đời sống xã hội ngày càng tốt lên”. Chính với tâm niệm thế, gần 30 năm nay, ông đã tự nguyện khám, chữa bệnh miễn phí cho nhiều người ở TP Hà Nội và khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thật đáng quý biết bao!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.