(HNMO) - Ngày 28-9, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Hùng Sơn thông tin về một số nội dung liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (Nghị quyết số 116/NQ-CP).
Theo ông Lê Hùng Sơn, người lao động thuộc diện thụ hưởng chính sách này là những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30-9-2021 (trừ các đơn vị thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên) và người lao động đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1-1-2020 đến hết ngày 30-9-2021. Còn người sử dụng lao động là các doanh nghiệp đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Hiện nay, cả nước có gần 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có gần 13 triệu người lao động và khoảng 38.000 đơn vị sử dụng lao động thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này.
Đối với người lao động, cơ quan BHXH sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời xác định chính xác thời gian tham gia. Với đơn vị sử dụng lao động, các đơn vị được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ 1-10-2021 đến hết ngày 30-9-2022), sẽ không phát sinh thủ tục hành chính. Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng để đối chiếu, tính toán.
Nếu đủ điều kiện thụ hưởng, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp sẽ được chi trả qua tài khoản cá nhân. Một số trường hợp đặc biệt, mà người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, thì cơ quan BHXH sẽ chi trả qua doanh nghiệp.
Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hiện không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương sẽ được cơ quan BHXH tại các địa phương tiếp nhận, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Dự kiến, với số lượng khoảng 38.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng thì số tiền giảm đóng là hơn 8.000 tỷ đồng. Với số tiền giảm đóng này, doanh nghiệp sẽ có thêm chi phí sử dụng cho công tác phòng, chống dịch tại doang nghiệp cho người lao động, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Có dư luận băn khoăn hiện nay, số tiền kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hơn 90.000 tỷ đồng, khi trích ra 38.000 tỷ đồng để triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP thì Quỹ có bảo đảm sự an toàn hay không? Về nội dung này, ông Lê Hùng Sơn nhấn mạnh, trước khi quyết định mức hỗ trợ gắn với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xem xét rất kỹ đến khả năng cân đối Quỹ trong dài hạn. Với đánh giá tác động và dự báo tình hình, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ bảo đảm cân đối trong dài hạn và đủ để chi trả trong điều kiện diễn biến tình hình như hiện nay.
Để chính sách hỗ trợ đến đúng người, đối tượng thụ hưởng, ông Lê Hùng Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan BHXH các địa phương sẵn sàng về nguồn dữ liệu để xác định các đối tượng cũng như mức hưởng; về lực lượng, con người, nguồn kinh phí để phục vụ việc triển khai, chi trả các chính sách hỗ trợ. Đối với khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp, về các địa phương, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến cho người lao động thuộc diện thụ hưởng để họ chủ động đến với cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện làm thủ tục hỗ trợ.
Như vậy, gói hỗ trợ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm nguyên tắc về chia sẻ rủi ro. Gói hỗ trợ này cùng với các chính sách hỗ trợ khác được kỳ vọng sẽ giúp người lao động, người sử dụng lao động có điều kiện vượt qua khó khăn, ổn định đời sống; doanh nghiệp ổn định sản xuất, từng bước tái tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.