Xã hội

Gần 115 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn

Đỗ Minh 08/01/2025 18:20

Ngày 8-1, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban liên ngành giữa Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố với các tổ chức chính trị - xã hội thành phố: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên để đánh giá công tác ủy thác cho vay năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

quanh-canh-nhcsxh.jpg
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đặng Đức Hạnh thông tin tại hội nghị. Ảnh: Thu Hiền

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đặng Đức Hạnh, trong năm 2024, doanh số cho vay các chương trình ủy thác qua tổ chức chính trị - xã hội đạt 7.202 tỷ đồng, với hơn 114.800 lượt khách hàng vay vốn, tăng 1.895 tỷ đồng so với năm 2023. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu các chương trình: Cho vay giải quyết việc làm 6.446 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 675 tỷ đồng, hộ nghèo về nhà ở 29,9 tỷ đồng... Doanh số thu nợ đạt 4.792 tỷ đồng, chiếm 66,5% doanh số cho vay.

Đến hết năm 2024, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 16.554 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ; dư nợ ủy thác tăng 2.410 tỷ đồng so với đầu năm, với hơn 270 nghìn khách hàng còn dư nợ tại 7.075 tổ tiết kiện và vay vốn, dư nợ bình quân đạt gần 61 triệu đồng/khách hàng.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho gần 115 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó có 22 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; cho vay giải quyết việc làm cho 58.034 lao động; hỗ trợ vốn cho 27.544 hộ gia đình xây dựng mới, cải tạo 55.088 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho vay 118 lượt học sinh sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ cho vay 100 lượt người chấp hành xong án phạt tù; 602 lượt hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND thành phố và 62 lượt khách hàng vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

giam-doc-hanh-nhcsxh.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Hiền

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác ủy thác, năm 2024, ngân hàng và 4 tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn cho 206 cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở đã phối hợp tổ chức 367 lớp tập huấn cho 1.897 cán bộ tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và 14.214 thành viên Ban quản lý Tổ tiết kiện và Vay vốn, hoàn thành 100% kế hoạch năm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Phạm Thị Thanh Hương cho biết, trong năm 2025, Hội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào những đơn vị cấp xã có chia tách, sáp nhập hoặc chất lượng tín dụng chưa tốt. Tiếp tục chỉ đạo hội cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn của người vay.

pham-thi-huong-phu-nu.jpg
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hiền

Phát huy những kết quả đạt được năm 2024, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đặng Đức Hạnh đề nghị, năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị thành phố tiếp tục tăng cường công tác phối hợp. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với việc thực hiện tại cơ sở, nhất là tại các đơn vị có chia tách, sáp nhập cấp thôn, cấp xã để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Nhà nước…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gần 115 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.