Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gần 10,8 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa cho công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Mai Hoa| 10/01/2023 15:27

(HNMO) – Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai công tác năm 2023 của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội, tổ chức ngày 10-1, Giám đốc Trung tâm Kiều Thị Hương cho biết: Năm 2022, Quỹ bảo trợ trẻ em đã vận động được tiền và hiện vật trị giá gần 10,8 tỷ đồng, đạt 159% so với cùng kỳ, hỗ trợ được 8.466 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn.

Sáu tập thể của Trung tâm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.

Trong tổng số gần 10,8 tỷ đồng vận động nguồn lực từ 195 đơn vị tài trợ, có gần 6,4 tỷ đồng tiền mặt và gần 4,4 tỷ đồng là hiện vật quy đổi.

Với nguồn lực xã hội hóa này, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã hỗ trợ dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tặng xe đạp, học bổng cho trẻ em vượt khó học tốt; trao quà cho trẻ em tại Làng trẻ Birla, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Hà Cầu và Trung tâm Ung thư và Khoa Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương, nhà nuôi dưỡng trẻ em Hữu nghị Đống Đa; hỗ trợ đột xuất cho trẻ bị bạo hành, tử vong, trẻ khuyết tật bị nhiễm Covid-19; thực hiện dự án "Hỗ trợ miễn phí sữa cho trẻ em tiểu học giai đoạn 2017-2022" và Chương trình "Quỹ sữa vươn cao"; tặng xe đạp và đồ dùng học tập cho trẻ em vượt khó học tốt tại một số quận, huyện; hỗ trợ khám sàng lọc, phẫu thuật tim bẩm sinh, răng hàm mặt cho trẻ em…

Giám đốc Trung tâm Kiều Thị Hương trao Bằng khen cho 1 cá nhân.

Với những kết quả đã đạt được, tập thể Trung tâm được tặng Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Một số tập thể, cá nhân cũng được tặng Bằng khen của UBND thành phố. 6 phòng, đội của Trung tâm đạt Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội. 

Năm 2023, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Trung tâm tiếp tục cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm đối tượng có nhu cầu. Về công tác phát triển cộng đồng, tiếp tục tổ chức, triển khai mô hình “Giáo dục hạnh phúc”; triển khai công tác truyền thông trực tiếp cho trẻ em tại 20 trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố và tổ chức phát triển cộng đồng tại các địa bàn; tổ chức lớp học “Tỏa sáng” hàng tháng, các cuộc nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ; khám sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng; tổ chức giải chạy gây Quỹ Bảo trợ trẻ em; tăng cường trang bị kỹ năng sống và hướng nghiệp cho trẻ em...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gần 10,8 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa cho công tác hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.