Xã hội

Gần 1,15 triệu trường hợp bị thương tích mỗi năm

Hà Hiền 07/09/2023 - 11:38

Tai nạn thương tích là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu, chiếm 16% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, số người bị thương tích trung bình mỗi năm là gần 1.150.000 trường hợp.

Ngày 7-9, tại thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2023 với chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, tai nạn thương tích là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu, chiếm 16% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, các tổ chức ghi nhận hơn 5 triệu người tử vong và 10 triệu người tàn tật do tai nạn thương tích. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, bệnh tật, tàn phế ở tuổi lao động.

tai-hien-truong.jpg
Diễn tập sơ cấp cứu tai nạn giao thông tại hiện trường.

Tại Việt Nam, tai nạn thương tích nói chung, tai nạn giao thông nói riêng là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao so với các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm. Thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, số người bị thương tích trung bình mỗi năm là gần 1.150.000 trường hợp, trong đó khoảng 300.000 trường hợp là trẻ em và vị thành niên từ 0 đến dưới 18 tuổi. Số người tử vong vì thương tích trung bình là 33.500 người mỗi năm.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích, từ năm 2000, Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm quốc tế đã phát động và thống nhất lấy ngày thứ bảy, tuần thứ hai của tháng 9 hằng năm là Ngày Sơ cấp cứu thế giới (năm 2023 là ngày 9-9).

Cùng với các quốc gia trên thế giới, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặc biệt chú trọng phòng, chống tai nạn thương tích bằng cách trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng. Hiện nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã đào tạo được gần 300 tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu đạt chuẩn. Đây là lực lượng cán bộ nòng cốt tham gia huấn luyện sơ cấp cứu cho tình nguyện viên làm việc tại hơn 500 trạm, điểm sơ cấp cứu và cho những người thường xuyên hoạt động tại những khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông (người lái xe taxi, xe ôm...).

Việc tập huấn sơ cấp cứu cho đối tượng học sinh trong trường học, người dân sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn cũng được các cấp Hội Chữ thập đỏ quan tâm. Riêng từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức huấn luyện cho gần 1 triệu lượt người, truyền thông phổ biến kiến thức cho khoảng 3 triệu lượt người. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng, ban hành bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu cho tập huấn viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên và người dân tại cộng đồng…

dua-len-xe-cc.jpg
Diễn tập tình huống hoàn thành việc sơ cấp cứu tại hiện trường, nạn nhân bị tai nạn giao thông được đưa lên xe cấp cứu đến bệnh viện gần nhất để điều trị.

Để làm nổi bật chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số”, năm 2023, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới phương thức đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu. Cùng với đó, các cấp hội quan tâm phát triển mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng với tinh thần: Sơ cấp cứu vì mọi người và ở mọi nơi.

Cũng tại lễ kỷ niệm, các huấn luyện viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ đã diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gần 1,15 triệu trường hợp bị thương tích mỗi năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.