Sự bùng phát các chương trình gameshow nhí lộ rõ sự “quá tay” với trẻ, không chỉ chiêu trò mà còn khai thác lợi nhuận, bỏ qua nhiều yếu tố có hại.
Kể từ gameshow “nhí” đầu tiên “Đồ Rê Mí” xuất hiện trên VTV năm 2007 và thu hút người xem lên con số rating “khủng”, từ đó mở ra một xu hướng gameshow cho trẻ em trên truyền hình Việt. Sự bùng phát các chương trình này càng ngày càng lộ rõ sự “quá tay” với trẻ, không chỉ chiêu trò mà còn là khai thác lợi nhuận, bỏ qua nhiều yếu tố có hại cho trẻ.
Sự thành công gần như vượt qua mong đợi và trở thành hiện tượng giải trí truyền hình Việt Nam của gameshow “Đồ Rê Mí” như chất xúc tác, tạo thành một cuộc chạy đua giữa các nhà sản xuất, mang phiên bản gameshow “nhí” của nước ngoài du nhập hay biến tấu bất cứ cuộc thi nào dành cho người lớn đều có hoặc đang dự định ra mắt phiên bản “nhí”.
Chương trình "Đồ Rê Mí". |
Hiện tại trên sóng của VTV, HTV, truyền hình Cần Thơ, truyền hình Vĩnh Long… có hàng loạt chương trình với tên gọi đã mặc định hẳn thị phần dành cho thiếu nhi.
Có thể kể tên một số chương trình truyền hình giải trí, game show có đối tượng tham gia là thiếu nhi như “Giọng hát Việt nhí”, “Chung sức Kids”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”, “Đồ Rê Mí”, “Tìm kiếm tài năng MC nhí - Young MC Talent”, “Young hit Young beat - Nhí tài năng”, “Vũ điệu tuổi xanh”, “Vua đầu bếp nhí”, “Con biết tuốt”, “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Cha con hợp sức”…
Ngoài ra, trong một số “sân chơi” khác như “Tìm kiếm tài năng Việt”, “Thách thức danh hài”... cũng có không ít trẻ em tham gia trong vai trò thí sinh. Năm 2016, lên sóng chương trình “Siêu nhí tranh tài” và “Thần tượng âm nhạc nhí”.
Hai mặt của gameshow “nhí”
Mục đích ban đầu của các gameshow “nhí” nhìn chung đều rất hay. Đa phần các chương trình đều xoay quanh những cuộc tranh tài về năng khiếu múa, hát, nhảy, diễn kịch, các năng khiếu khác... cho các em dưới danh nghĩa tìm kiếm, ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng trẻ thật sự;
Các chương trình gameshow “nhí” ở mặt tích cực đã mang đến cái lợi là cho các em sự tự tin, bộc lộ năng khiếu, bản lĩnh thể hiện trước đám đông, để gia đình và có thể các tổ chức ngành nghề biết hướng đầu tư phát triển tài năng cho tương lai.
Hình ảnh dễ thương trong chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế?". |
Qua các chương trình, không phủ nhận đã có rất nhiều tài năng “nhí” được phát hiện, và có thể xem đó là những hạt giống “chất lượng cao” trong tương lai ở các bộ môn nghệ thuật hay ngành nghề khác. Cũng có những chương trình tốt, nhưng cũng có những chương trình bị thương mại hóa.
Mặt tích cực mà gameshow “nhí” mang lại không nhiều, nếu so với mặt trái của nó. Đầu tiên có thể nói là lợi nhuận “khủng” cho các nhà sản xuất chương trình, quảng cáo ồ ạt kéo đến với cái giá “đỉnh” tương đương hay hơn cả của người lớn, chỉ số rating cao đã biến mục đích tốt đẹp ban đầu của các nhà sản xuất chương trình và nhà đài phát sóng đề ra dần biến dạng.
Nhiều chương trình đã bị sa đà vào thương mại hóa, dùng trẻ em như mồi câu khách tăng rating để thu hút tài trợ, quảng cáo nhiều hơn nữa. Biến gameshow “nhí” trở thành cuộc chiến không chỉ giữa các nhà sản xuất cạnh tranh lần nhau, mà còn là cuộc chiến cam go, nhiều thử thách khốc liệt của bọn trẻ trong các chương trình, đi lệch chuẩn.
Nhưng đó chưa phải là một mặt trái của gameshow “nhí”, mà vấn đề chính là việc tác động đến tâm lý, hành vi và thay đổi nhận thức nghệ thuật cơ bản của trẻ.
Sự ảnh hưởng tâm lý thắng - thua mà ở lứa tuổi bọn trẻ chưa kịp thích ứng để có sự đối diện hay ứng xử phù hợp, từ tâm lý ảo tưởng tài năng, không ít trẻ cũng huyễn hoặc mình sau những cơ hội thể hiện mình với vài thành công bước đầu.
Hoặc giả thất bại thì bị ức chế tinh thần, định hướng cuộc sống theo một kiểu mới thiếu cân bằng, có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực trong tương lai.
Không ít chương trình còn được dàn dựng với tinh thần của người lớn. Không ít điệu nhảy, bài hát, trang phục, cách tạo dáng, trình diễn không hợp tuổi trong “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Giọng hát Việt nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”…
Gameshow “nhí” mang lại gì cho trẻ?
So với những lợi nhuận mà các nhà sản xuất chương trình gameshow “nhí” thu được thì việc mang lại gì cho trẻ thật sự quá ít, chưa kể có thể nói nặng hơn là một kiểu kinh doanh biến tướng trẻ em.
Ngay từ ở các vòng thi, các em phải tập luyện với một cường độ lớn, đôi khi là quá tải. Chịu một áp lực tâm lý nặng nề trong suốt cuộc thi, đôi khi kéo dài nhiều tháng trời, ảnh hưởng không ít đến việc học văn hóa. Và việc loại dần các thí sinh trong mỗi buổi thi gây lên một tâm lý sợ hãi, hoang mang, mất bình tĩnh... Những vấn đề đó thực sự không có lợi cho tâm hồn non nớt của những đứa trẻ.
Thí sinh "Bước nhảy hoàn vũ nhí". |
Và những điều không có lợi đấy còn kéo dài sau khi các cuộc thi đã kết thúc. Nhiều sự kiện, nhiều show diễn, nhiều nhãn hàng đều muốn các em tham gia để lấy danh tiếng thu hút khán giả. Các em đến các chương trình, đôi khi chỉ vì niềm vui, vì ham thích được hát, được diễn, được đóng quảng cáo… nhưng đằng sau đó là việc tên tuổi bị lợi dụng, là những hợp đồng thực dụng, những show diễn liên miên.
Liệu rằng, sáng đi học văn hóa, tối đi diễn có tạo một môi trường tốt để các em phát triển toàn diện con người? Hay các em phải học cách trưởng thành sớm, cạnh tranh trong làng giải trí khắc nghiệt và để rồi thay vì trau dồi mài dũa tài năng thì lại chỉ dừng lại ở mức giải trí kiếm tiền?
Gameshow “nhí” Việt khó mà dừng khi nó vẫn là cái “máy” in tiền cho các nhà sản xuất. Nhưng không thể để các nhà sản xuất “tự biên, tự diễn” mà không có một chế tài chế định nào của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến vấn đề Luật bảo vệ trẻ em mà Việt Nam đã có và đã ký kết với quốc tế.
Làm sao mà gameshow “nhí” đừng còn có cảnh các bé gồng mình hát với giọng non nớt những “Cát bụi”, “Dạ cổ hoài lang”, “Đường cong”… một cách tội nghiệp trên sân khấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.