Theo dõi Báo Hànộimới trên

Game online - Đi tìm giá trị thật

Thế Dũng| 12/07/2010 05:05

LTS: Game online (GO) hiện là ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn ở nhiều nước, đặc biệt là khu vực Đông Á. Ở Việt Nam, năm 2009, 17 doanh nghiệp cung cấp GO đã đóng thuế 20 triệu USD và con số tăng trưởng hằng năm đều ở mức hai con số, khiến nhiều người coi đây là ngành công nghiệp hái ra tiền. Nhưng chưa bao giờ, GO bị phản đối như hiện nay do những tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là gián tiếp góp phần gia tăng tình trạng bạo lực trong giới trẻ. Loạt bài "Game online - Đi tìm giá trị thật" dưới đây không đi sâu vào phân tích những tác hại của GO mà tập trung vào vấn đề làm sao để xây dựng GO trở thành ngành kinh doanh dịch vụ giải trí thuần túy và mang tính giáo dục cao.

* Bài 1: Bất cập trong quản lý
LTS: Game online (GO) hiện là ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận lớn ở nhiều nước, đặc biệt là khu vực Đông Á. Ở Việt Nam, năm 2009, 17 doanh nghiệp cung cấp GO đã đóng thuế 20 triệu USD và con số tăng trưởng hằng năm đều ở mức hai con số, khiến nhiều người coi đây là ngành công nghiệp hái ra tiền. Nhưng chưa bao giờ, GO bị phản đối như hiện nay do những tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là gián tiếp góp phần gia tăng tình trạng bạo lực trong giới trẻ. Loạt bài "Game online - Đi tìm giá trị thật" dưới đây không đi sâu vào phân tích những tác hại của GO mà tập trung vào vấn đề làm sao để xây dựng GO trở thành ngành kinh doanh dịch vụ giải trí thuần túy và mang tính giáo dục cao.

Niềm đam mê game online của các “thượng đế” nhí. ảnh: Trung Kiên


Theo đại biểu Quốc hội, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người, tức là khoảng 23% dân số chơi GO. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình giải trí này bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ luôn tìm cách "vượt rào". Cùng với đó, nhiều người chơi miệt mài "cày" GO thâu đêm suốt sáng và không ít người trong số này giàu lên nhờ mua bán đồ ảo.

Doanh nghiệp, game thủ, đại lý internet đều "lách luật"

Theo thống kê, đến cuối năm 2009, tại Việt Nam có 58 cơ sở GO được lưu hành, trong đó tới 90% được Việt hóa từ các trò chơi mua bản quyền của nước ngoài, chủ yếu là của Trung Quốc và Hàn Quốc. Những GO có cộng đồng người chơi (game thủ) số lượng lớn gồm: Võ lâm truyền kỳ, Kiếm tiên, MU, Audition, Chinh đồ, Bắn súng, Đột kích... thuộc quyền quản lý của các DN như VinaGame, VTC Intercom, FPT Online, AsianSoft, VDC...

Từ tháng 6-2006, Bộ Bưu chính - Viễn thông, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH, TT&DL) đã ban hành thông tư liên tịch số 60 nhằm quản lý GO. Bốn năm qua, đây vẫn là cơ sở pháp lý duy nhất để quản lý dịch vụ này. Công bằng mà nói, nhờ có văn bản này, việc quản lý GO được tiến hành khá chặt chẽ. Nhưng sau đó, các game thủ, đại lý internet và DN cung cấp dịch vụ đều tìm cách lách luật, thường là trong quy định giờ chơi, cung cấp GO không phù hợp, quản lý thông tin người chơi, buôn bán vật ảo trong GO...

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có tới 75% GO có màu sắc bạo lực, 14% liên quan cờ bạc và chỉ có 9% lành mạnh. Hiện Việt Nam có khoảng 20 triệu người chơi GO, trong đó 2/3 học sinh tiểu học thường xuyên chơi GO, ở bậc phổ thông tỷ lệ là 81% và ở mức ĐH, CĐ là khoảng 75%.

Đáng lưu ý là trong điều kiện Việt Nam chưa có cơ chế hiệu quả để quản lý GO phát hành ở nước ngoài được sử dụng tại Việt Nam, nhiều DN đã tìm cách phát hành trò chơi ở nước ngoài, sử dụng máy chủ (server) nước ngoài để kinh doanh tại Việt Nam mà không có các giấy phép phát hành của cơ quan có thẩm quyền, gây thất thu thuế, khó khăn cho công tác quản lý. Việc phát hành GO ở nước ngoài không chỉ không phù hợp với quy định, thuần phong mỹ tục Việt Nam mà còn tạo ra môi trường bất bình đẳng với DN trong nước. Lợi nhuận kếch xù từ nguồn này đương nhiên thuộc về các DN ngoài Việt Nam.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Giám đốc Công ty VTC intercom cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng hacker tấn công game và lợi dụng lỗi game đang trở nên phổ biến. Song đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật và chế tài xử phạt chưa có quy định rõ ràng về hành vi vi phạm này, dẫn đến khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý.

Đáng lo ngại hơn là việc cả nước hiện có khoảng 30.000 đại lý internet công cộng với doanh thu chủ yếu là từ GO nhưng việc quản lý hầu như bất lực. Mặc dù Nhà nước quy định các cơ sở này chỉ được kinh doanh đến 23h nhưng dường như chính quyền địa phương không thể kiểm soát nghiêm túc quy định này. Đây chính là lỗ hổng lớn, góp phần phát sinh nhiều sự việc đau lòng như: Cướp của, giết người, lừa đảo... gây nhiều bức xúc trong xã hội liên quan đến công tác quản lý GO thời gian gần đây.

Nhiều hàng game online trên địa bàn Hà Nội luôn đông khách 24/24 giờ (ảnh chụp trên phố Đặng Văn Ngữ chiều 11-7). ảnh: Thái Hiền

Tài sản ảo: Thả nổi đến bao giờ?
Đến nay, GO đã du nhập vào Việt Nam được 7 năm và cũng chừng ấy thời gian vấn đề tài sản ảo - TSA (đồ ảo) tốn không ít giấy mực của báo giới. Pháp luật Việt Nam, cụ thể là Bộ luật Dân sự, các văn bản dưới luật khác có liên quan đều không công nhận TSA và cùng với đó là quyền sở hữu, chuyển giao không được thừa nhận. Tuy nhiên, hiện có đến 628.000 trang liên kết do máy tìm kiếm Google chỉ ra với từ khóa "trang web mua đồ ảo".


Anh Nguyễn Thanh Hà (KTT Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) một game thủ lâu năm cho biết: Chuyện game thủ bỏ ra nhiều triệu đồng để sắm cho nhân vật của mình một bộ đồ ảo, giúp trở thành cao thủ trong game không phải là hiếm. TSA nở rộ nhất sau sự xuất hiện của GO Võ lâm truyền kỳ năm 2005. Việc mua bán này diễn ra công khai và nhiều giao dịch có giá trị lên tới hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng đã xuất hiện. Những chuyện như một người chơi có nickname là Excavator bỏ ra 285 triệu đồng mua một chiếc nhẫn ảo; game thủ Hắc Điểu bỏ hơn 1 tỷ đồng để mua một nhân vật Nga My... khiến không ít người coi "cày" GO là một "nghề" theo đúng nghĩa.

"Không chỉ các trang web, một số quán cà phê lớn phố Chùa Bộc, khu Thanh Xuân Bắc, khu ĐH Bách khoa... là tụ điểm giao dịch TSA thường xuyên của giới game thủ. Việc mua TSA khá dễ dàng, chỉ cần trao đổi qua điện thoại, game thủ sẽ được cung cấp hàng đến tận nhà. Nhìn chung, TSA hiện nay đang nảy sinh ra nhiều vấn đề nhức nhối cho xã hội, nhưng điều khá lạ là đến giờ vẫn chưa có một quy định nào về vấn đề này" - anh Hà cho biết thêm.

Đáng lưu ý là trong dự thảo quản lý GO (lần 7) được Bộ Thông tin - Truyền thông lấy ý kiến các DN kinh doanh GO gần đây nhất, TSA vẫn không được công nhận vì nó thuộc về game, còn các nhà phát hành thì vẫn một mực khẳng định nó là một đoạn mã trong game và họ chẳng liên quan gì. Phải thừa nhận, việc không công nhận TSA là hàng hóa có thể chuyển nhượng thành các loại tiền thật, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài GO là câu chuyện lớn, không chỉ liên quan đến GO. Nhưng muốn định hướng, quản lý được GO - loại "ma túy mới", gây nghiện cho nhiều người này thì rõ ràng không thể thả nổi TSA như thời gian qua.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Game online - Đi tìm giá trị thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.