Cuối tuần trước, bà Hoàng (đường Bùi Văn Ba, quận 7) mua con gà tam hoàng ở siêu thị gần nhà, với giá bán diện bình ổn 65.000 đồng/kg, thấp hơn thị trường 10.000 – 15.000 đồng. Về nhà đem luộc, bà thấy da trắng bệch, nứt toang hoác, thịt nhão, không thơm.
Nghe chuyện của bà Hoàng, một số doanh nghiệp, người nuôi khẳng định, đây là gà tam hoàng lai. Loại này có mẹ là gà lương phượng và cha là gà công nghiệp. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, phòng kinh doanh công ty cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai), đơn vị chuyên nuôi gà tam hoàng thuần chủng, là giống lai nên cơ địa của nó gần với giống gà công nghiệp.
“Nuôi trong thời gian ngắn, thúc thức ăn giàu đạm nên đương nhiên chất lượng thịt gà tam hoàng lai không bằng gà tam hoàng thuần”, ông Tùng nói.
Chu kỳ nuôi loại gà lai này khoảng 45–50 ngày, ngắn hơn hai tuần so với gà tam hoàng thuần chủng, nhưng trọng lượng lên tới 1,8–2 kg/con. Thức ăn cho gà tam hoàng lai cũng giống như thức ăn gà trắng công nghiệp, độ đạm từ 19–21, còn gà tam hoàng do nuôi thời gian dài nên chỉ cần độ đạm từ 18–19. Ngoài ra, gà lai nuôi chuồng kín như gà công nghiệp, còn gà tam hoàng nguyên bản nuôi chuồng hở, có không gian vận động, đi lại.
Tại thị trường phía Nam có công ty chăn nuôi C.P Việt Nam đang nuôi gà tam hoàng lai, trung bình mỗi tuần khoảng 60.000 con. Số gà này, ngoài bán ra thị trường còn được bán cho một số công ty giết mổ gia cầm tham gia chương trình bình ổn để đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, chủ trại gà Long Khánh (Đồng Nai) tính toán, nếu doanh nghiệp bình ổn mua gà tam hoàng chính hiệu giá 50.000–52.000 đồng/kg gà lông, cộng chi phí giết mổ, bao bì, vận chuyển, chiết khấu phân phối… phải ra giá thành 65.000–66.000 đồng/kg. Bán như giá bình ổn hiện nay có 65.000 đồng/kg doanh nghiệp hoà, thậm chí lỗ vốn. Nếu mua con gà lai giá 41.000–42.000 đồng/kg, cộng chi phí khác ra giá thành tối đa 55.000 đồng, bán giá bình ổn 65.000 đồng, doanh nghiệp lời 10.000 đồng/kg.
Bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu là chủ trương đúng để đảm bảo đời sống của đại bộ phận người dân. Do vậy, việc lựa chọn mặt hàng bình ổn chủ yếu căn cứ vào nhu cầu cơ bản. Tỉ như dăm bảy loại gà, bình ổn giá có lẽ nên chọn gà công nghiệp. Người có nhu cầu loại hàng có giá trị hơn sẽ tính toán dựa trên thu nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.