(HNM) - Cung cấp wifi miễn phí, nâng hệ thống ke ga và lắp mái che mới, lắp đặt ghế ngồi, bố trí nhân viên hỗ trợ hành khách tàn tật, người già… là những giải pháp hiện đang được ga Sài Gòn áp dụng nhằm thu hút khách đi tàu…
Chất 4 - 5 thùng cát tông lẫn vali nặng trịch trên xe kéo và tiến một mạch lên đoàn tàu SE2 (về Quảng Ngãi) đang chờ sẵn, anh Nguyễn Đức Hiếu (quê Ninh Bình) cho biết, do đặc thù công việc nên hầu như tháng nào anh cũng đi tàu. Trước đó, các cửa lên xuống tàu đều cách mặt đất đến cả mét, việc di chuyển đồ đạc và hành lý đều phải nhờ dịch vụ. Giờ đây hệ thống ke ga đã được nâng ngang bằng với cửa lên xuống, việc đưa hành lý lên tàu dễ dàng, mặt ke sơn bằng sơn epoxy chống trơn trượt tạo sự an toàn nên anh Hiếu tự mình làm lấy. Người tàn tật, người già, phụ nữ có thai hay các em nhỏ, không còn khó khăn mỗi khi lên xuống tàu. Nếu trời bất chợt đổ mưa, đã có hệ thống mái che dọc đoàn tàu.
Ga Sài Gòn nâng cao ke ga nhằm tạo thuận lợi cho hành khách. |
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn, ngành đường sắt TP Hồ Chí Minh, ga Sài Gòn đã bố trí đầy đủ hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điện chiếu sáng, hệ thống loa phát thanh hướng dẫn hành khách lên xuống tàu hoặc thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Nhà ga cũng đã sửa chữa, nâng cấp hàng loạt hạng mục công trình như: Cải tạo lại mặt đường trước cổng nhà ga, nhà chờ; lắp đặt mới trên 500 ghế ngồi bằng thép không gỉ trong khu vực bán vé và đợi tàu; trang bị hàng chục xe lăn dành cho người khuyết tật... Đặc biệt, ga Sài Gòn đã lắp đặt cung cấp dịch vụ wifi miễn phí giúp hành khách giải trí khi đợi tàu hoặc truy cập tìm kiếm thông tin vé tàu nhanh chóng và tiện lợi hơn. Theo ông Nguyễn Văn Thành, đây là bước đầu của đề án đầu tư hệ thống wifi miễn phí tại các nhà ga của ngành đường sắt, tiến tới mục tiêu hoàn chỉnh dần hệ thống mua bán vé tàu tại các nhà ga trên cả nước. Ngoài ra, nếu như trước đây hành khách phải mất 4 lần để trình vé trong một hành trình thì nay ga Sài Gòn cũng bỏ việc kiểm soát vé khi hành khách ra vào ga, nhân viên chỉ kiểm soát vé tại cửa vào toa tàu. Nhà ga còn bố trí bộ phận hỗ trợ hành khách là người cao tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật... Với người nhà đi đón, tiễn ra vào ga tự do và được bố trí đứng ở khu vực quy định sẵn trên ke ga để bảo đảm an toàn.
Một trong những bước tiến lớn của ngành đường sắt nữa là áp dụng dịch vụ bán vé điện tử. Lãnh đạo Công ty Vận tải hành khách đường sắt TP Hồ Chí Minh cho biết, lần đầu tiên ga Sài Gòn sẽ tổ chức bán vé phục vụ hành khách trên mạng internet trong dịp Tết Ất Mùi 2015 tới. Cụ thể, trên trang web của ga luôn cập nhật và đăng tải đầy đủ thông tin trạng thái vé theo thời gian thực giúp hành khách biết tình trạng vé trống, dễ dàng lựa chọn loại ghế, chỗ ngồi, lịch trình và mua vé. Người dân có thể tương tác trực tiếp với kho vé online để mua được vé đúng giá niêm yết. Giải pháp này giúp bảo đảm tính minh bạch, công khai và công bằng, đặc biệt, việc áp dụng hình thức bán vé này sẽ chấm dứt tình cảnh mua vé khổ sở của người dân trong mỗi dịp lễ, Tết. Dự kiến cuối tháng 11 này, hệ thống sẽ hoạt động để kịp phục vụ người dân và đến cuối năm 2015 hệ thống sẽ hoàn thành.
Với việc nâng cao hệ thống hạ tầng và dịch vụ như trên, ngành đường sắt TP Hồ Chí Minh mới thực sự "bước ra" thương trường.
Trong thời gian cao điểm Tết Ất Mùi từ ngày 8-2 đến 2-3-2015 (tức 20 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến ngày 12 tháng Giêng năm Ất Mùi), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy 14 đôi tàu khách Thống Nhất, với tổng số khoảng 12.000 chỗ/ngày để chuyên chở hành khách từ Nam ra Bắc và ngược lại. Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn sẽ tổ chức chạy 5 đôi tàu khách đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến các ga Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang và Phan Thiết, với tổng số khoảng 3.000 chỗ/ngày. Các ngày Tết, sẽ có 14 chuyến tàu tăng cường với tổng số khoảng 8.000 chỗ. Theo kế hoạch, từ ngày 21 đến 30-11, hệ thống ga tàu trên toàn quốc sẽ bán vé Tết cho các tập thể. Từ ngày 1-12 tới sẽ bán vé cá nhân trên hệ thống bán vé điện tử. Mỗi hành khách được đặt chỗ trên web không quá 4 vé/lần cho một chiều. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.