(HNM) - Lê Minh Sơn đặt cho hai đêm nhạc sắp tới của mình cái tên hơi kỳ quặc - “Lê Minh Sơn. Nét Việt”. Có người đùa rằng đó là cái tên nửa âm nửa dương, nửa hiện đại nửa quê mùa.
Gã tự nhận mình là “nông dân Bắc bộ”, nhưng gã nông dân này “cày” trên luống nhạc và làm live show giữa Thủ đô. Gã còn dọa sẽ hát đoạn nhạc quảng cáo Prime và… rao đồng nát trên sân khấu nữa.
Sau thời gian cạo trọc đầu, ôm đàn lên sân khấu dạo cuối năm 2007, Sơn tái xuất với mái tóc dài chấm vai, trông ngố ngố nghệ sĩ. Gã điềm đạm hơn cái thời ầm ĩ và bị phán xét là lộng ngôn. Và kín kẽ quá. Hỏi mãi, gã mới chịu tiết lộ về Lê Minh Sơn. Nét Việt.
Với Lê Minh Sơn, ý định chọn Nhà hát Lớn - Hà Nội làm điểm hẹn hằng năm đã rõ, quãng dao động cũng ngắn lại. Năm nay gã chọn mùa thu, bởi show nhạc 2008 có nhiều sáng tác mới nhuốm màu buồn. Gã bảo: “Lê Minh Sơn không chỉ có những à í a, những Quê tôi, Chuồn chuồn ớt... đậm tính dân tộc hay những bản nhạc flamenco sôi động và lôi cuốn. Lê Minh Sơn còn có một góc khác: lãng mạn và chút gì đó yếu đuối”.
Hai đêm nhạc tới không còn dàn nhạc công đẹp trai với ngón guitar điêu luyện. Cũng chẳng có màn ngẫu hứng của Đào Anh Khánh. Nhưng không gian ấy vẫn còn những giọng ca rất thành công với nhạc của Sơn, cả một dàn “sao” Thanh Lam, Tùng Dương, Trọng Tấn, Khánh Linh, Hà Linh, Ngọc Khuê và nhạc sĩ Xuân Phương chơi piano.
Cỡ 25 bài hát, nửa cũ và nửa là sáng tác mới, Lê Minh Sơn. Nét Việt sẽ là một đêm nhạc dài diễn ra liền mạch, không có sự tách biệt giữa hòa tấu và ca khúc. Chính những bản hòa tấu giữ vai trò MC, dẫn dắt ca khúc này nối sang ca khúc khác mà không chệch ý tưởng chủ đạo.
Lê Minh Sơn không tự mình hát bài nào nữa. Gã chỉ đánh đàn, nếu có hát thì chỉ à ơi đúng 30 giây. Có vẻ như quyết định này đã không khó khăn lắm để “gã ngông” chấp nhận, bởi sau live show trước, gã đã biết nếu mình lại hát thì không khéo khán giả bỏ chạy hết mất.
Sau thành công của live show năm 2007, với giá vé chợ đen lên tới 3 triệu đồng/cặp, lần này Lê Minh Sơn đưa ra ba mức giá: 400.000- 300.000- 200.000 đồng/vé. Khá tự tin, gã nói: “Đó là mức giá cao, nhưng chưa phải cao nhất so với mặt bằng những đêm nhạc được tổ chức tại Hà Nội trong vài năm trở lại đây”. Gã tin rằng khán giả của đêm nhạc là những người thực sự yêu thích thứ nhạc không dành cho số đông của gã. Họ đến vì âm nhạc, nên chắc hẳn sẽ chẳng quá so đo chuyện giá vé.
Dư luận dậy sóng bởi sự xuất hiện của NSƯT Thanh Lam trong live show của Lê Minh Sơn, sau những tuyên bố “chia tay trong âm nhạc” của hai nhân vật chính hồi năm trước. Liệu có sự tái hợp cả trong âm nhạc lẫn đời sống thực? Lại thêm sự xuất hiện của một người phụ nữ khác bên sáng tác của Lê Minh Sơn: ca sĩ trẻ Hà Linh. Trước những thắc mắc ấy, Lê Minh Sơn lần đầu tiên (và chắc cũng là lần cuối cùng) khẳng định chắc nịch: “Tôi và Lam đã trở thành những người bạn thân sau quá trình cùng làm việc. Lam, cũng như những ca sĩ khác đã lựa chọn dòng nhạc của tôimột dòng nhạc ít người yêu, ít người hát. Họ là những người đặc biệt, tôi trân trọng họ. Đừng để tôi phải trả lời thêm lần nào về mối quan hệ này. Còn Hà Linh, cô ấy là khách hàng của tôi, chúng tôi cùng hợp tác trong âm nhạc, và chỉ có thế. Cả cô ấy, cả Lam và những ca sĩ khác đều nhận được lời mời hát trong live show của tôi, họ thu xếp được lịch diễn, họ hào hứng với chương trình nên họ nhận lời. Hơn nữa, tôi chủ trương ngay từ đầu: dù mối quan hệ của tôi với họ thế nào thì khi làm live show, tôi cũng cố mời họ hát cho được”.
Tối mùng 1 và 2-8 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, không gian âm nhạc Lê Minh Sơn một lần nữa lại mở ra, với nhiều điều mới mẻ. Trong khán giả lại đầy ắp nỗi tò mò về nhạc phẩm mới, về sự xuất hiện của người đàn bà hát trong đêm của Lê Minh Sơn. Và về màn rao “đồng nhôm dép rách sắt vụn hỏng bán đi!” trong ca khúc Gió mùa về của gã...
Bạch Lựu
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.