Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gà an toàn sinh học: Bao giờ có nhãn hiệu sản phẩm?

Ngọc Quỳnh| 26/08/2013 06:09

(HNM) - Hiện các huyện ngoại thành Hà Nội đang triển khai mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học.

Chăm sóc đàn gà tại Tiên Dương (huyện Đông Anh). Ảnh: Khánh Nguyên


Hiệu quả nhưng bộn bề khó khăn

Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NN&PTNT), hiện nay, chương trình gà ATSH đã triển khai trên một số địa bàn như xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) với số lượng 5.500 con gà thịt, xã Minh Phú (Sóc Sơn) với 1.500 con gà đẻ trứng thương phẩm, xã Ba Trại (Ba Vì) với 5.000 con gà thịt… Nhìn chung, mô hình đã phát huy hiệu quả như giảm mùi hôi chuồng nuôi, công lao động dọn chuồng và chi phí thuốc thú y (giảm bệnh E.coli…). Ngoài ra là tận dụng được thức ăn có sẵn từ việc tự phối trộn thức ăn (cám gạo, ngô, men vi sinh…) nên giảm được chi phí đầu tư. Chất lượng thịt, trứng gà ATSH khá bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bởi chỉ dùng thức ăn lên men từ cám, gạo, ngô, cá…, không dùng Premix, khoáng vi lượng và gần như không dùng kháng sinh. Giá gà thịt nuôi theo mô hình sinh học cao hơn so với nuôi công nghiệp, hiện là 130.000 đồng/ kg trong khi giá gà trắng chỉ 42.000 đồng/kg, giá gà lông màu là 63.000 đồng/kg, gà ta 95.000-100.000 đồng/kg. Giá trứng gà nuôi theo mô hình sinh học là 5.500 đồng/quả trong khi giá trứng thương phẩm là 1.800 đồng/quả. Tuy nhiên, mặc dù mô hình chăn nuôi gà ATSH mang lại kết quả tốt nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn như người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm gà ATSH với các sản phẩm thịt gà khác; mô hình chăn nuôi gà ATSH cũng chưa được nhân rộng nên chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân Thủ đô về thực phẩm an toàn.

Khó khăn lớn nhất đối với các hộ nuôi gà ATSH là khâu tiêu thụ sản phẩm, hầu hết các hộ không ký kết được hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp mà bán qua thương lái nên giá trị chưa cao. Có những thời điểm giá trứng xuống thấp, trứng gà ATSH cũng chỉ bán như giá trứng thường khiến người nuôi khó khăn.

Tiếp tục hỗ trợ để phát triển

Theo ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi, để mô hình phát huy được hiệu quả và nhân ra diện rộng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng vùng chăn nuôi gà ATSH quy mô lớn; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, kết nối, xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm ATSH. Trong đó, tập trung hỗ trợ các chương trình chăn nuôi áp dụng công nghệ sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường về con giống, men vi sinh, chất độn chuồng, đồng thời tư vấn, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ để áp dụng đúng quy trình sản xuất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, hình thành những vùng chăn nuôi gà ATSH quy mô lớn, xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Nếu một năm thành phố không xảy ra dịch bệnh có thể tiết kiệm được trên 1.000 tỷ đồng, do đó người chăn nuôi cần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh. Các hộ dân cần xây dựng chuồng trại, cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng, không chắp vá, manh mún; phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng nhãn hiệu sản phẩm để bán với giá cao hơn và trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gà an toàn sinh học: Bao giờ có nhãn hiệu sản phẩm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.