Thỏa thuận vừa được ký kết tại Singapore đã cho ra đời Vietnam Global Gateway, một liên doanh giữa công ty G7 Mart của Việt Nam với một tập đoàn kinh tế của Singapore.
Sự kiện này được nhìn nhận như một cách tiếp cận mới của doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới, và sẽ tạo ra những bước tiến cho thương hiệu Việt Nam trên khắp toàn cầu. Thỏa thuận vừa được ký kết tại Singapore đã cho ra đời Vietnam Global Gateway, một liên doanh giữa công ty G7 Mart của Việt Nam với một tập đoàn kinh tế của Singapore. Đây chính là kết quả của hơn một năm G7 Mart tiếp cận và đàm phán với Hội đồng phát triển kinh tế Singapore EDB, để xây dựng một mô hình "cổng giao dịch Việt Nam" ở nước ngoài. Trên thực tế, dự án này cũng nằm trong chính sách của EDB, luôn khuyến khích huy động các công ty trên toàn cầu xây dựng trụ sở tại đảo quốc này. Theo thông tin từ ông Limho Tan, Phó Giám đốc EDB, hiện EDB đang có "47 thành viên trên khắp toàn cầu. Sau thỏa thuận này, G7 Mart của Việt Nam cũng đã trở thành một đối tác quan trọng của chúng tôi". Ông nhấn mạnh: "việc hình thành công ty Vietnam Global Gateway sẽ giúp khai thác những lợi thế so sánh của hai quốc gia. Tôi biết rằng có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam - một ngôi sao kinh tế đang lên. Và thông qua sự hỗ trợ Hội đồng phát triển kinh tế Singapore, họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam". Tại Singapore, Vietnam Global Gateway sẽ hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực: từ thương mại dịch vụ, đến văn hóa, du lịch, y tế, và cả giáo dục... Trường đào tạo các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam theo chuẩn quốc tế chính là một trong những dự án đầu tiên mà công ty này triển khai. Chương trình đào tạo này bước đầu sẽ được Việt hóa những phương pháp, kỹ năng ứng xử trong bối cảnh toàn cầu, dành cho các giám đốc điều hành doanh nghiệp Việt Nam. Theo Tiến sĩ Khairuddin, Giám đốc điều hành Vietnam Global Gateway: "Tuy công ty hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, nhưng thực tế, tại Singapore, những nền tảng và điều kiện cơ sở hạ tầng vật chất đều có sẵn, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ kết nối. Cái khó nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là vốn và nguồn nhân lực thì ở đây đều có". Được biết, lý do để G7 Mart chọn Singapore làm bàn đạp để thực hiện bước tiến ra thế giới, là bởi hạ tầng kinh tế Singapore đáp ứng được tốt nhất những gì các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu. 7000 công ty trên toàn cầu có mặt tại đây, với đầy đủ những kinh nghiệm quản trị, các quỹ đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp có được cái nhìn toàn cầu... G7 mart sẽ không chỉ sử dụng được yếu tố hạ tầng, mà còn có thể tận dụng tốt mạng lưới các mối quan hệ, mà đối tác Singapore đã tập hợp được từ trước. Và liên doanh Vietnam Global Gateway sẽ thực hiện chức năng như một cổng giao dịch, đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời xúc tiến hỗ trợ đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. "Thông qua vị trí của Singapore, chúng ta có thể nâng giá trị thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam lên một tầm mới, giới thiệu với thế giới... Và tôi cho rằng không có lý do gì các doanh nghiệp Việt Nam lại không chọn cổng giao dịch này", ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định. Không phải chỉ có G7 Mart mới là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Thế nhưng hoạt động kinh doanh của các công ty Việt Nam khác trên khắp thế giới trước đó vẫn còn đơn lẻ, và thiếu hẳn sự liên kết. Chính vì vậy, các nhà sáng lập Vietnam Global Gateway đang kỳ vọng, nếu mô hình "Cổng giao dịch Việt Nam" ở Singapore thành công và được nhân rộng, sẽ có thể kết nối được hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam ở khắp nơi...
VTV
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.