(HNMO) - Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã làm nổi bật tính cấp thiết của các biện pháp quản lý công nghệ này.
Ngày 20-5, tại cuộc họp ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản), các lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã kêu gọi phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với trí thông minh nhân tạo (AI).
Các lãnh đạo G7 cũng nhận định, những phương pháp tiếp cận hướng đến mục đích đạt được tầm nhìn và mục tiêu chung về AI đáng tin cậy có thể khác nhau, đồng thời tuyên bố hoạt động quản trị nền kinh tế kỹ thuật số cần tiếp tục được cập nhật để phù hợp với các giá trị dân chủ.
Thỏa thuận được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) tiến gần việc thông qua luật toàn diện đầu tiên trên thế giới đối với AI. Đạo luật được mong đợi của EU sẽ gồm những quy định về việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, giám sát sinh trắc học và nhiều ứng dụng AI khác.
Theo đề xuất, các công cụ AI sẽ được phân loại dựa trên mức độ rủi ro, từ thấp đến không thể chấp nhận. Chính phủ và các công ty sử dụng những công cụ này sẽ có các nghĩa vụ khác nhau tùy thuộc vào độ rủi ro.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, AI phải “chính xác, đáng tin cậy, an toàn và không phân biệt đối xử bất kể nguồn gốc của chúng”. Các lãnh đạo G7 cũng đã đề cập đến AI tạo sinh, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngay lập tức nắm bắt các cơ hội và thách thức của công nghệ này.
G7 cũng nhất trí tổ chức một diễn đàn cấp bộ trưởng vào cuối năm 2023 để thảo luận những vấn đề liên quan đến AI tạo sinh như quyền sở hữu trí tuệ và thông tin sai lệch.
Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ và Kỹ thuật số G7 đã thảo luận về quản trị AI trong bối cảnh tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ này đã làm nổi bật tính cấp thiết của các tiêu chuẩn quốc tế đối với hoạt động quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.