(HNMO) - Sau nhiều lần nói "không" với câu hỏi về khả năng "tái xuất giang hồ" của chiếc xe từng rất thành công ở Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 21 nhưng bị ngừng sản xuất kể từ 2014 này, sức hấp dẫn của thị trường SUV/Crossover đang phát triển mạnh mẽ trong nước liệu có làm Ford thay đổi ý định đối với Escape trong thời gian tới?
Tại Việt Nam, người dùng hầu như không xa lạ gì với cái tên Escape. Đây là mẫu xe được Ford và Mazda phát triển chung, bán ra thị trường từ những năm 2000. Trong khi Ford đặt tên cho chiếc SUV cỡ nhỏ của mình là Escape thì Mazda lại chọn tên gọi Tribute. Cả hai đều dựa trên nền tảng Ford CD2 và sử dụng hệ truyền động I4 của Mazda hoặc V6 của Ford.
Tới năm 2007, Escape bước vào thế hệ thứ hai nhưng hầu như không thay đổi gì về nền tảng so với phiên bản tiền nhiệm - trừ những khác biệt về ngoại hình. Xe được bán ở một số thị trường với tên gọi khác như Maverick (Trung Quốc), Mercury Mariner (Bắc Mỹ), Kuga (châu Âu)... Escape cũng là mẫu xe SUV đầu tiên mà Ford trang bị hệ thống truyền động Hybrid.
Tại Việt Nam, sau nhiều năm phân phối Escape, tới tháng 4/2014, Ford Việt Nam đã quyết định ngừng lắp ráp và bán ra mẫu xe này. Khi đó, hãng đã chọn tập trung vào chiếc crossover cỡ nhỏ EcoSport. Bản thân Escape với điểm mạnh "ngon, bổ, rẻ" với những tính năng thực tế, giá thành vừa phải nhanh chóng lùi vào dĩ vãng để lại nhiều nuối tiếc.
Trên thị trường toàn cầu, Ford đưa ra thế hệ thứ ba của Escape - hầu như cắt đứt mọi mối liên hệ với hai phiên bản đầu (vốn cũng chẳng khác nhau là mấy) từ nền tảng cho tới ngoại hình. Xe chuyển sang sử dụng khung gầm đơn mảnh (Unibody) dựa trên nền tảng Global C (giống với Focus) thay vì thân trên khung (Body-on-frame) như hai thế hệ tiền nhiệm.
Doanh số tăng trưởng liên tục sau từng năm, cùng với mốc 2 triệu xe được giao tới tay khách hàng sau 12 năm hiện diện trên thị trường là động lực lớn để Ford mạnh dạn cách tân chiếc SUV cỡ nhỏ của mình, nhưng cũng là thách thức lớn trong việc tạo ra một thế hệ kế thừa đủ mạnh mẽ để duy trì những giá trị cốt lõi từng giúp cho Escape thành công.
Trong chuyến công tác tới Philippines, phóng viên HNMO đã có dịp làm quen với thế hệ Escape mới nhất hiện có mặt tại thị trường ASEAN. Xe sử dụng động cơ tăng áp EcoBoost 2.0 cho công suất 240 mã lực (tại tua máy 5.500 vòng/phút) và mô men xoắn cực đại 366Nm (tại tua máy 3.300 vòng/phút) - mức thậm chí vượt cả máy V6 3.0L của Escape trước đó.
Một điều thú vị là dù sử dụng tỉ số nén cực lớn và hệ thống tăng áp, Escape với EcoBoost vẫn chỉ sử dụng xăng phổ thông (yêu cầu A92 hay A95 mà thôi). Mức tiêu thụ nhiên liệu của Escape Titanium được công bố ở ngưỡng 11,5L/100km trong đô thị và 8,7L /100km ngoài đường trường (phiên bản 4WD).
Cả bốn kính của xe đều chỉnh điện với cơ chế một chạm - tính năng đã được Ford đưa thành mặc định trên hầu hết các dòng xe của hãng nhiều năm qua.
Một trong những thế mạnh của Escape mới chính là ở khả năng cách âm. Chỉ cần xem xét một vòng quanh xe, không khó để nhận ra sự hiện diện dày đặc của các lớp đệm và gioăng - nhiều hơn hẳn thế hệ cũ và thậm chí là cả khi so với Focus (mẫu xe mà Escape thế hệ thứ ba chia sẻ chung nền tảng).
Cửa sổ trời góc rộng (Panoramic).
Mẫu xe HNMO tiếp cận là phiên bản Escape Titanium - cao cấp nhất trong nhóm. Xe được trang bị ghế trước chỉnh điện 8 hướng (tích hợp sưởi), chìa khoá thông minh, cảm biến lùi, camera lùi, kiểm soát hành trình, hệ thống âm thanh giải trí Ford Sync (với màn hình cảm ứng tích hợp giao diện MyFord Touch), cửa sổ trời Panoramic, hệ thống âm thanh Sony với 11 loa (355w)...và nhiều món khác.
Một trong những tiện ích khá thú vị của xe là khả năng cho phép mở cửa cốp sau chỉ bằng cú đá nhẹ vào cản (dĩ nhiên là với chìa khoá đeo trên người). Đây là món mới rất tiện dụng nếu bạn đang bê đồ bằng cả hai tay và cần nhét vào xe.
Escape mới có trục cơ sở dài hơn 50mm (lên mức 2.690mm), tương ứng với chiều dài tổng thể tăng lên hơn 100mm (lên mức 4.524mm). Xe cũng rộng hơn 25mm (lên mức 1.839mm) và cao 1.648mm. Điều này ngay lập tức chuyển hoá thành thể tích cốp sau khá rộng: 971 lít (1.920 lít nếu gập hàng ghế sau).
Khối động cơ tăng áp EcoBoost 2.0L của xe được phát triển dựa trên kiến trúc của động cơ Duratec trước đó. Đáng chú ý ở đây là hệ thống gioăng bao kín 360 độ quanh khoang máy giúp cách âm hoàn toàn tiếng động lọt vào khoang lái - điều hiếm thấy trên các dòng xe phổ thông. Động cơ cũng cho phép xe có sức kéo lên tới 1,5 tấn - gấp đôi so với các đối thủ.
Escape Titanium được trang bị mặc định vành 19 inch với lốp do Continental cung cấp. Đây là mức tương đương với CX-5 tại thị trường Việt Nam đang sử dụng (khác về chủng loại lốp), và lớn hơn so với CR-V.
Tới nay, Ford Việt Nam chưa tiết lộ thông tin gì về kế hoạch đưa Escape hoàn toàn mới vào thị trường trong nước. Tuy nhiên với những gì ba đối thủ trực tiếp là Honda CR-V, Mazda CX-5 và Hyundai Tucson đang làm được, không khó để nhận ra rằng sân chơi xe "gầm cao" cỡ nhỏ đang hết sức sôi động - và hiển nhiên việc bỏ qua cơ hội sẽ là điều chẳng hãng sản xuất nào mong muốn.
Với những gì HNMO trải nghiệm, gương mặt "tuy cũ mà mới" của Ford rất triển vọng tìm được chỗ đứng tại thị trường trong nước - dĩ nhiên là nếu hãng xe Mỹ chịu đưa về. Thậm chí nếu có thể lắp ráp Escape trong nước, chọn lựa phiên bản 2017 và xác định được mức giá phù hợp, các đối thủ từ Honda, Mazda, Hyundai hay Mitsubishi chắc chắn sẽ phải dè chừng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.