Du lịch

Festival thu Hà Nội: Thu hút 80.000 lượt khách và… hơn thế nữa!

Hoàng Lân 01/10/2023 14:59

Festival thu Hà Nội - Đến để yêu đang diễn ra tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt khách đến mỗi ngày.

Sôi động hoạt động trải nghiệm

Những ngày cuối tuần, nắng vàng như rót mật kèm theo làn gió mát lành, góp phần làm nên thành công "Festival thu Hà Nội - Đến để yêu!". Diễn ra 3 ngày (từ tối 29-9 đến 1-10), lễ hội đã tạo sức hút lớn với người dân và du khách.

4(1).jpg
Diễu hành carnaval với sự tham gia của hơn 1.500 người tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm vào sáng 1-10. Ảnh: Quang Thái

Trưa 1-10, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội) Nguyễn Hữu Việt cho biết, ước tính lễ hội thu hút khoảng 80.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Ngay trong sáng 1-10, hoạt động được nhiều người trông chờ là carnaval đường phố với sự tham gia của hơn 1.500 người diễu hành tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Carnaval diễn ra từ 8h, thu hút rất đông người dân, du khách xem và tham gia cùng. Festival diễn ra với 4 phần mang chủ đề “Rạng rỡ sắc Thu” chuyển tải những màu sắc của mùa thu Hà Nội.

5(1).jpg
Đồng bào Mường ở hai huyện Quốc Oai và Thạch Thất đã có màn trình diễn múa và chiêng Mường hấp dẫn. Ảnh: Quang Thái

Khai màn sự kiện là tiết mục của đoàn Lân sư rồng huyện Thanh Oai với 600 người biểu diễn 30 con rồng, 30 con lân và 30 người đánh trống, tượng trưng cho 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Cùng tham gia khai màn là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc, vũ điệu về thu Hà Nội. Điểm nhấn của carnaval là sự tham gia của 50 đồng bào dân tộc Mường ở xã Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai) cùng 70 đồng bào Mường huyện Thạch Thất.

Mặc dù đã nhiều lần biểu diễn ở các sự kiện giao lưu văn hóa cấp thành phố nhưng đây là lần đầu tiên, đồng bào Mường ở Quốc Oai biểu diễn tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Chị Nguyễn Thị Chanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chiêng Mường xã Phú Mãn phấn khởi chia sẻ, các hội viên trong câu lạc bộ biểu diễn điệu chiêng cổ “Đi đường” để đãi khách ở trung tâm Thủ đô. “Chúng tôi rất vui vì có cơ hội được giao lưu, khoe bản sắc văn hóa dân tộc Mường tới người dân và du khách. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều cơ hội để quảng bá văn hóa dân tộc mình như thế này”, chị Nguyễn Thị Chanh bày tỏ.

Là người dân tham gia hoạt động diễu hành carnaval, anh Trần Thanh Tùng, một vận động viên chạy bộ phong trào chia sẻ: “Các hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch tại lễ hội rất hấp dẫn ngay cả với những người sống lâu ở Hà Nội như tôi”.

Còn với chị Trần Thị Thư - du khách từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nào vào mùa thu, tôi cũng ra Hà Nội để thưởng thức không khí nhẹ nhàng, mát mẻ. Năm nay, Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch về mùa thu rất đặc sắc. Đây sẽ là điểm nhấn cho du lịch mùa thu của Thủ đô”.

Lễ hội thu Hà Nội tổ chức lần đầu tiên với 150 gian hàng, nhiều không gian sáng tạo để du khách check-in chụp ảnh. Tại lễ hội, nhiều sản phẩm làng nghề, tour du lịch được các đơn vị, công ty chào bán. Tổng công ty Du lịch Hà Nội giới thiệu nhiều sản phẩm tour mới cho mùa thu, như du lịch Đông - Tây Bắc, du lịch văn hóa.

Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề - làng cổ - làng văn hóa Nguyễn Văn Sử thông tin, chi hội có 10 gian hàng, giới thiệu tới du khách rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ, quà tặng do nghệ nhân các làng nghề thực hiện như: Lược sừng, khảm trai Thụy Ứng, mây - tre - đan Phú Vinh (Chương Mỹ)…

Hấp dẫn không gian ẩm thực

Trong khuôn khổ của Lễ hội thu Hà Nội, không gian văn hóa ẩm thực tại Cung Thiếu nhi Hà Nội được nhiều du khách tìm đến.

1(3).jpg
Du khách thưởng thức phở với nhiều phong cách khác nhau. Ảnh: Hoàng Quyên

Không gian quy tụ 51 gian hàng của các hội nghề nghiệp, nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở ẩm thực nổi tiếng tại Hà Nội và cả nước, giới thiệu các món ăn hấp dẫn như phở bò, phở gà, bún thang, chả cá, chả cốm, bún ốc Hồ Tây, xôi Phú Thượng...

Điểm nhấn không gian phở quy tụ nhiều thương hiệu phở Hà Nội nức tiếng gần xa như: Phở Thìn, phở mậu dịch (số 2 Lý Quốc Sư), phở gà Hà Nội, phở của một số địa phương như: Phở Nam Định, phở ngô Hà Giang, phở Đắk Lắk.

2(1).jpg
Tìm hiểu Phở xưa Nam Định. Ảnh: Hoàng Quyên

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương chia sẻ, không gian ẩm thực không chỉ đơn giản giới thiệu món ăn ngon, cơ sở ẩm thực uy tín của Hà Nội và một số địa phương cho du khách mà còn nhằm giới thiệu nét văn hóa ẩm thực lâu đời của người Hà Nội xưa và nay. Du khách đến đây còn để hoài niệm về những món ăn từng gắn bó với mình trong ký ức, hay chỉ để nghe câu chuyện của các gia đình có truyền thống làm ẩm thực lâu đời Hà Nội.

Có gian hàng tại không gian ẩm thực, cô Nguyễn Thị Lan (hậu duệ đời thứ 2) của phở mậu dịch (số 2 Lý Quốc Sư) chia sẻ, gian hàng của cô được thiết kế theo kiểu Hà Nội xưa để du khách trải nghiệm văn hóa ăn phở mậu dịch của thời bao cấp. Còn theo chị Loan - đời thứ 4 của thương hiệu Phở Thìn (Bờ Hồ), gian hàng của gia đình giới thiệu món phở gia truyền với hương vị nước dùng được ninh cất trong 10 tiếng.

3(1).jpg
Gian phở mậu dịch giúp du khách thưởng thức phở theo phong cách mậu dịch xưa. Ảnh: Hoàng Quyên

Đến không gian giới thiệu văn hóa ẩm thực vào sáng 1-10, chị Nguyễn Thu Duyên (quận Thanh Xuân) bày tỏ: “Không mấy khi các thương hiệu phở gia truyền nổi tiếng tập trung tại một địa điểm, đó là cơ hội tuyệt vời để thưởng thức và khám phá nét khác biệt của từng món phở của Hà Nội và các địa phương”.

Diễn ra 3 ngày, Lễ hội thu Hà Nội với nhiều hoạt động trải nghiệm và không gian khám phá đã tạo nên một không khí lễ hội hấp dẫn, đậm nét thu Hà Nội. Thành công của lễ hội không chỉ ở việc thu hút lượng lớn người dân và du khách trải nghiệm mà còn đang dần từng bước hình thành nên thương hiệu du lịch mùa thu cho Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Festival thu Hà Nội: Thu hút 80.000 lượt khách và… hơn thế nữa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.