(HNM) - Sau các vòng đàm phán về tương lai khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là thời kỳ hậu Brexit không đạt được tiến triển, ngày 15-6, đích thân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc đàm phán trực tuyến với các lãnh đạo EU nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Dẫu chưa tạo được bước đột phá nhưng hai bên đã có thêm động lực mới để hóa giải bất đồng khi cùng nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán vào mùa hè năm nay.
Anh và EU tổ chức hội đàm trực tuyến cấp cao trong bối cảnh 4 vòng đàm phán hậu Brexit kết thúc nhưng có rất ít tiến triển. Cả hai bên đều mong muốn tạo ra bước tiến, nhưng đều nhất quyết không thay đổi lập trường và từ chối nhượng bộ. Các bất đồng còn tồn tại của hai bên chủ yếu ở 4 nhóm vấn đề gồm: Chia sẻ các ngư trường đánh cá của Anh với EU, vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), các đòi hỏi về thiết lập “sân chơi bình đẳng” và cơ chế giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, hai bên còn bất đồng lớn về các tiêu chuẩn môi trường, tài chính và xã hội.
Với EU, khối này theo đuổi quan điểm bất cứ thỏa thuận nào đạt được với Anh cũng đều phải gắn với các cam kết của London về việc duy trì các tiêu chuẩn chung của EU trong nhiều lĩnh vực, bảo đảm một sân chơi bình đẳng. EU cảnh báo sẽ không vì đạt được thỏa thuận mà hy sinh lợi ích kinh tế của mình. Thế nhưng, Anh lại không chấp nhận điều đó, bởi London chọn lựa rời khỏi EU là để không bị tiếp tục trói buộc bởi các quy định và ràng buộc của EU. Nhà đàm phán hàng đầu EU Michel Barnier chỉ trích nước Anh “đòi hỏi” quá nhiều trong các cuộc đàm phán về Brexit.
Với quỹ thời gian eo hẹp - chỉ còn gần 6 tháng trong khi bất đồng lớn chưa được giải quyết, tuyên bố không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp của Anh đang làm gia tăng lo ngại về viễn cảnh một Brexit không thỏa thuận ngày càng hiện hữu. Trong trường hợp đến cuối năm 2020 mà EU và Anh vẫn không đạt được thỏa thuận thì thuế quan và hạn ngạch sẽ được tái áp dụng trong trao đổi thương mại giữa hai bên. Kịch bản này có thể là một cú sốc kinh tế mới, cộng thêm những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 sẽ khiến nền kinh tế nước Anh chịu nhiều thiệt hại hơn EU. Mới đây nhất, Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) Anh cho biết, sản lượng của nền kinh tế Anh trong tháng 4-2020 đã giảm 20,4% so với tháng trước, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được theo dõi vào năm 1997.
Trong bối cảnh giằng co sẽ không có lợi cho cả hai bên, lần đầu tiên Thủ tướng Anh đã đích thân tham gia các cuộc đàm phán. Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng B.Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các bên nhất trí tiếp thêm động lực cần thiết cho các cuộc đàm phán, đồng thời hỗ trợ các kế hoạch tăng cường đàm phán trong tháng 7 tới và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để có thể đi đến thỏa thuận trước cuối năm 2020.
Theo đó, bên cạnh các vòng đàm phán chính thức, Anh và EU sẽ tổ chức các nhóm làm việc nhỏ, gặp nhau trực tiếp tại London (Anh) hoặc Brussels (Bỉ). Ngoài ra, Anh và EU sẽ đàm phán liên tục hằng tuần trong thời gian từ ngày 29-6 đến 27-7-2020, thay vì tiến hành các vòng đàm phán sau 2-3 tuần/1 lần như trong thời gian qua.
Rõ ràng, dù chưa thể ngay lập tức đạt được một thỏa thuận tổng thể trong vòng đàm phán thứ 5 này, nhưng hai bên đã cố gắng tìm tiếng nói chung trong một số vấn đề, từ đó đưa ra từng gói thỏa thuận nhỏ trong các cuộc đàm phán tiếp theo. Đây sẽ là kịch bản có thể chấp nhận được cho cả Anh và EU trong giai đoạn khó khăn này. Và việc hai bên đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ trong tương lai vẫn là khả năng đang được trông đợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.